Chủ Đề Học Tập Tháng 3 & 4/2023:
Mối tương quan với chị em trong cộng đoàn
Đề tài học tập của Hội Dòng chúng ta trong tháng 03 và 04 là BƯỚC ĐI TRƯỚC MẶT CHÚA VÀ SỐNG HOÀN HẢO MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHỊ EM TRONG CỘNG ĐOÀN. Đây là một chủ đề rất gần gũi và thiết thân với mỗi chị em, vì khi khởi sự hành trình theo Chúa, chúng ta đã từ giã mái ấm gia đình huyết thống để vào Nhà Dòng, nơi có những chị em xa lạ và rất khác biệt, để đón nhận và sống với nhau như những chị em ruột thịt trong một đại gia đình.
Lúc còn sinh thời, Đức Cha Tổ Phụ luôn ước mong cho các cộng đoàn Mân Côi được sống an vui, chị em yêu thương nhau để cộng đoàn trở nên hình ảnh của Nước Thiên Đàng. Niềm ước mong ấy đã được Đức Cha dạy dỗ và ghi lại trong các sách huấn luyện chị em: “Nhà dòng nào giầu đức thương yêu thì ấy là nhà dòng bình an, vui vẻ cùng là hình bóng chốn Thiên Đàng”[1]. Theo Đức Cha, khi tinh thần đức ái trở thành sợi dây nối kết chị em, thì cộng đoàn sẽ là dấu chỉ của đời sống Thiên Đàng:“Các con hãy yêu thương nhau ! Có yêu thương nhau thì Nhà Dòng mới trở thành Thiên Đàng”[2]. Như vậy, thiên đàng không phải là nơi xa xôi trừu tượng, nhưng thiên đàng ở ngay giữa cộng đoàn, khi mọi thành viên của cộng đoàn được sống trong bầu khí ân sủng và thánh thiện, mọi thành viên cảm nhận được sự bình an và niềm vui khi sống bên nhau; bao dung và đón nhận khác biệt của nhau; yêu thương và nâng đỡ gánh nặng cho nhau; xây dựng và tìm kiếm thiện ích cho nhau.
Để triển khai đề tài này, chúng ta nói đến 3 điểm sau đây:
- Hiệp thông với Chúa và với nhau trong kinh nguyện
- Tham gia tích cực vào nếp sống cộng đoàn
- Liên kết với nhau trong sứ vụ
1. HIỆP THÔNG VỚI CHÚA VÀ VỚI NHAU TRONG KINH NGUYỆN
Cộng đoàn thánh hiến được Chúa Giêsu quy tụ và được đặt trên nền tảng là đời sống Ba Ngôi, nên nhất thiết phải có đời sống cầu nguyện như nguồn dinh dưỡng nuôi sống cộng đoàn. Đối với đời tu Mân Côi, Đức Cha Tổ Phụ dạy phải coi trọng chiều kích thiêng liêng và phải đặt lên hàng đầu trong tất cả các sinh hoạt hằng ngày: “Phải lấy việc thiêng liêng làm việc trước tiên trong các việc phải làm từ sáng đến tối”[3]. Vì thế, các giờ cử hành phụng vụ và kinh nguyện chung- riêng phải có vị trí ưu việt trong ngày sống của cộng đoàn.
Chính Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với Chúa và với nhau chung quanh bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa, đồng thời sai chúng ta đi thi hành sứ vụ và đồng hành với chúng ta bằng ân sủng. Nếu thiếu mối tương quan sâu xa với Chúa, tương quan chúng ta với nhau cũng chỉ hời hợt và nông cạn. Bởi vì tình chị em chỉ bền chặt khi mỗi người cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa ngay giữa cộng đoàn: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng khi mọi thành viên hướng lòng lên Chúa thì cũng sẽ có khả năng nhìn vào nhau, nói chuyện với nhau, tha thứ cho nhau và được đổi mới trong Thánh Thần[4]. Như vậy, việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn là yếu tố nền tảng để bảo vệ, duy trì và làm tăng trưởng cộng đoàn về mọi phương diện.
Các giờ kinh nguyện cộng đoàn là thời khắc chị em sống và làm chứng cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, là lúc tiếp nhận sinh khí cho cộng đoàn, là cơ hội nạp thêm năng lượng và làm gia tăng nhiệt huyết tông đồ. Vì thế, cộng đoàn phải được tăng trưởng luôn mãi trong cầu nguyện. Chính Thiên Chúa qui tụ chúng ta mỗi ngày để cử hành hy lễ tạ ơn và cầu nguyện chung. Do đó, chúng ta cần hiệp nhất trong tâm tình, trong đức ái, trong lý tưởng thánh hiến, trong tình chị em chân thật mỗi khi cùng nhau chung lời ngợi khen Thiên Chúa. Các giờ kinh nguyện chung cần được tổ chức thật tốt: giờ giấc thuận lợi cho tất cả chị em, bầu khí trang nghiêm, sốt sắng, chị em tích cực góp chung lời ca tiếng hát. Nếu các giờ kinh nguyện chung không biểu lộ được sự hiệp nhất và chiều sâu, thì mọi sinh hoạt khác cũng trở nên hời hợt, máy móc và xu thời.
2. THAM GIA TÍCH CỰC VÀO NẾP SỐNG CỘNG ĐOÀN
Khi sống trong cộng đoàn, mỗi chị em có trách nhiệm làm cho cộng đoàn của mình trở nên đáng yêu và hấp dẫn bằng việc góp phần mình vào việc làm tăng trưởng cộng đoàn về mọi lãnh vực của đời thánh hiến. Hiến luật Dòng nói về trách nhiệm của chị em đối với đời sống chung như sau: “Chị em được mời gọi sống hòa hợp gắn bó với cộng đoàn, giúp nhau tăng trưởng những đặc sủng và khả năng mỗi người[5]. Với tình yêu thương, lòng biết ơn và sự tha thứ, mỗi chị em biết đón nhận nhau như hồng ân Thiên Chúa, giúp nhau thanh luyện và tích cực xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn[6]. Bởi vì đời sống chung là cùng chung nhau trong mọi sự: “Cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2, 2), nên mỗi chị em có trách nhiệm tìm kiếm điều tốt nhất cho cộng đoàn qua những hoạt động tinh thần cũng như vật chất, được cụ thể trong những sinh hoạt chung của cộng đoàn.
2.1 Cộng đoàn học hỏi, chia sẻ:
Người ta thường nói: học hỏi kiến thức mới, hiểu sâu sắc những điều học được và chia sẻ được cho người khác là điều rất quan trọng. Bởi vì khi chia sẻ điều gì cho người khác là lúc chúng ta có cơ hội làm tròn đầy các lỗ hổng liên quan đến điều đó. Những hiểu biết thu được chỉ là tạm thời và nó dễ dàng vuột khỏi tâm trí chúng ta, nếu có dịp chia sẻ, chúng sẽ ở lại với ta lâu dài hơn và có thể là vĩnh viễn. Người ta thường nói: không có chia sẻ thì không có sáng tạo, vì khi hai ý tưởng chạm vào nhau thì sẽ nẩy sinh ra một ý tưởng mới. Đó là sáng tạo. Hơn nữa, khi chia sẻ với chị em về một điều gì, là chúng ta đưa điều đó ra làm của chung, lúc đó, chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống thú vị hơn. Thánh Phaolô dạy chúng ta phải chia sẻ những điều thiện, những gì tốt nhất cho người khác và cho cộng đoàn (x. 1Tx 5, 15).
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc chia sẻ trong cộng đoàn mang lại nhiều lợi ích, vì đây là một sự chung chia những “tài sản quý báu” đến từ kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, việc chia sẻ phải được thực hiện cách thích hợp và chân thành, không thể là sự áp đặt lên người khác ý muốn của mình, nhưng là trao tặng những kinh nghiệm quý báu trong tinh thần xây dựng nếp sống chung. Mỗi chúng ta đều cần chia sẻ và đón nhận một điều gì đó nơi kinh nghiệm của chị em để đẩy cuộc sống lên một tầm cao hơn và tốt đẹp hơn. Mong rằng chúng ta vượt qua được những ngại ngùng và sợ hãi như sợ bị đánh giá, sợ đụng chạm, giữ im lặng hoặc ậm ừ cho qua, để có thể mang lại một bầu khí tươi mới, vui vẻ và cởi mở trong các buổi chia sẻ của cộng đoàn.
2.2 Cộng đoàn hội họp, phân định, lượng giá:
Chị em đồng trách nhiệm về việc thăng tiến cá nhân và cộng đoàn. Vì thế, mục đích của các buổi hội họp cộng đoàn nhằm tìm ra những cách thức làm tăng trưởng cộng đoàn về mọi phương diện qua việc phân định, lượng giá, rút kinh nghiệm và góp ý. Giờ họp cộng đoàn giúp chị em hiểu nhau hơn, cùng tham dự vào công việc của cộng đoàn, chia sẻ trách nhiệm và cùng nhau quyết định những vấn đề chung. Việc này đòi hỏi mọi phần tử tích cực tham dự các giờ hội họp chung: không viện cớ vắng mặt, không im lặng ù lì, không để một người độc thoại và cũng không nói quá nhiều về vấn đề của mình, đến nỗi làm cho người khác không tập trung vào được những vấn đề quan trọng hơn của cộng đoàn.
Thành công của buổi họp cộng đoàn là mọi chị em tham gia cách tích cực, chân thành cởi mở và tin tưởng chia sẻ ý nghĩ của mình cũng như lắng nghe chị em. Cuộc họp cộng đoàn sẽ thất bại khi chị em thiếu sự tương tác với nhau như không ai muốn nói, không muốn có ý kiến gì hoặc khi có người độc quyền nói và những người khác ngồi nghe cách thụ động, hay khi có những bất đồng ý kiến mà không đi đến sự nhất trí vì thiện ích chung của cộng đoàn.
Khi xây dựng cộng đoàn cũng chính là xây dựng bản thân. Vì thế, chị em góp phần mình vào việc tìm kiếm đều tốt nhất cho cộng đoàn. Bởi vì điều tốt nhất cho cộng đoàn cũng chính là điều tốt của mỗi người.
2.3 Bữa ăn cộng đoàn
Trong cộng đoàn tu trì, bữa cơm chung rất quan trọng, không phải chỉ là cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng còn là thời gian sum vầy đầm ấm, gắn kết tình chị em, chia sẻ những hoa quả lao động của chị em và là lúc thể hiện sự quan tâm đến nhau. Để có được sự hiệp thông này, cần duy trì bầu khí vui vẻ, hòa hợp và có sự hiện diện đông đủ.
Ngày nay, chúng ta dễ lấy lý do bận rộn công việc hoặc vì sức khỏe nên cần kiêng khem các món ăn chung mà bỏ giờ cơm của cộng đoàn. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa của bữa cơm chung cộng đoàn, chúng ta sẽ sắp xếp thời gian, công việc để hiện diện với chị em. Trừ trường hợp bất khả kháng không thể hiện diện được vào bữa ăn nào đó, nhưng trong ngày, chúng ta không nên viện cớ nào đó để thường xuyên vắng mặt. Thật sự, nếu thường xuyên thiếu đi những bữa cơm chung bên chị em, chúng ta sẽ thiếu vắng rất nhiều cơ hội để sống tình thân với nhau, thiếu cơ hội để phát triển lòng vị tha và sự quan tâm đến nhau. Bữa cơm chung cộng đoàn tuy giản dị, không thịnh soạn nhưng lại quan trọng ở tấm lòng của người chuẩn bị bữa ăn và tấm lòng của những người cùng ăn chung với nhau. Nói tóm lại, bữa cơm chung cộng đoàn có tầm ảnh hưởng lớn đến tình hiệp thông trong cộng đoàn.
2.4 Cộng đoàn giải trí
Trước đây, hằng ngày cộng đoàn thường có giờ chơi chung. Hiện nay do công việc đòi hỏi, một số cộng đoàn chỉ còn giữ được giờ chơi chung một lần trong tuần. Giờ giải trí mang lại sự thư thái và sảng khoái về tinh thần, đem lại những chuyển biến tích cực cho sức khỏe tinh thần và thể xác bằng cách thư giãn đầu óc cũng như tạo môi trường kết nối thân thiện với chị em. Việc giải trí không phải chỉ mang lại ích lợi cho cá nhân nhưng còn là nhu cầu của đời sống cộng đoàn. Khi cùng nhau giải trí, chị em sẽ có những khoảnh khắc thú vị bên nhau, tạo niềm vui, sự nối kết. Những nhân tố này sẽ trở thành sức mạnh cho các hoạt động của cộng đoàn.
Nếu lúc nào chúng ta cũng đắm chìm trong các nhiệm vụ của mình mà không có thời gian nghỉ ngơi giải trí, chúng ta sẽ nhận thấy năng suất làm việc giảm dần, nhịp độ công việc trở nên chậm hơn và sai lầm có thể xuất hiện. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và nếp sống chung. Vì thế, cần có sự quân bình trong đời sống, không nên quá mải mê công việc mà thiếu đi những giây phút giải trí, là cơ hội giúp chị em được thư giãn cả thể xác lẫn tinh thần, là điều kiện cho sự cân bằng cuộc sống.
2.5 Hội Dòng họp mặt, mừng lễ:
Hội Dòng có những ngày họp mặt và mừng lễ, là ngày mà mọi chị em quy tụ về để cử hành, gặp gỡ, chia sẻ và tạo mối dây liên kết bền chặt, giúp nhau sống ơn gọi đời thánh hiến cách triển nở hơn. Khi sống trong gia đình Hội Dòng, cuộc đời chúng ta được gắn liền với những sự kiện tinh thần và vật chất của Hội Dòng. Tất cả những dịp đặc biệt của Hội Dòng như lễ tết, bổn mạng, giỗ tổ, lễ khấn, các khóa thường huấn, tĩnh tâm năm,… chị em quy tụ để chúc mừng, chung chia niềm vui, học hỏi… Vì thế, chúng ta tránh hết sức việc dựa vào những lý do không thuyết phục để trốn tránh tham gia sinh hoạt chung với chị em, tự ẩn mình tại cộng đoàn, không biết đến những sự kiện và những câu chuyện của Hội Dòng. Mỗi thành viên cần liên đới với nhau trong tinh thần của một người con trong đại gia đình Mẹ Dòng để tích cực tham gia các sinh hoạt chung, thể hiện tinh thần thuộc về Hội Dòng cách cụ thể.
- HIỆP THÔNG TRONG SỨ VỤ
3.1 Liên kết với nhau trong sứ vụ
Để có thể liên kết với nhau trong sứ vụ, chúng ta cần tìm về với Cội Nguồn trước tiên, duy nhất và bền vững của mình là chính Thiên Chúa. Người là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 15). Vì thế, muôn vật muôn loài và mọi hoạt động trong vũ trụ này đều phải quy hướng về Thiên Chúa. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải liên kết với nhau trong khi thi hành sứ vụ. Khi mời gọi chúng ta vào trong gia đình Hội Dòng, Chúa muốn chúng ta thi hành sứ vụ của mình trong tinh thần hiệp thông và liên đới với toàn thể Giáo Hội, gần hơn là với Hội Dòng. Vì là một phần tử của Hội Dòng nên chúng ta đảm nhận ơn gọi và sứ vụ của mình cùng với các phần tử khác, để chỉ có một lòng một ý với nhau trong việc làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Vì sứ mạng tông đồ được ủy thác cho Hội Dòng nên mọi hoạt động tông đồ của chị em đều mang chiều kích cộng đoàn. Thư Chung Tổng Công Hội 23 khuyên chị em phải lưu ý đến “tính cộng đoàn” trong khi thi hành sứ vụ: “Tính cộng đoàn trong việc thi hành sứ vụ cần được nhấn mạnh, để mọi hoạt động của chị em không bị phân tán, và nhất là nói lên vai trò ngôn sứ trong sứ vụ của chị em”[7]. Đây là lời mời gọi chị em ý thức sống tinh thần “nên một trong sứ vụ”.
Sứ vụ mà chị em lãnh nhận là sứ vụ của Chúa Giêsu trao phó cho Giáo Hội, chúng ta cộng tác vào công cuộc của Giáo Hội theo Đặc Sủng của Hội Dòng cùng với nét đặc thù của mỗi người. Vì thế, “mỗi công tác tông đồ dù do cá nhân đảm nhiệm, đều là công việc chung Dòng, phải được thực hiện trong sự hiệp thông với Giáo Hội, nhân danh Giáo Hội và với sự ủy nhiệm của Giáo Hội”[8]. Tinh thần luật Dòng cho thấy đời tu Mân Côi không có việc nhân danh cá nhân phục vụ nhưng là phục vụ nhân danh cộng đoàn. Tuy cá nhân đảm nhận trách vụ được trao nhưng chính là toàn thể Hội Dòng thi hành trách vụ ấy trong một sứ vụ “cùng chung và liên kết”. Tinh thần cộng đoàn phải được gạn lọc để đưa tới mức độ tuyệt hảo là “nên một cùng nhau trong sứ vụ”. Khi hiệp thông trong sứ vụ, chị em chia sẻ với nhau những trách nhiệm đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội Dòng. Vì thế, tinh thần cộng đoàn, tính tập thể và đồng trách nhiệm trong cộng đoàn là điều mà mỗi chị em Mân Côi cần ý thức và nỗ lực phát huy.
3.2. Quan tâm và nâng đỡ sứ vụ của nhau
Cộng đoàn sẽ không có sự hiệp thông trọn vẹn nếu các phần tử không trợ giúp nhau thi hành sứ vụ. Sứ vụ được thể hiện qua nhiều công việc khác nhau nên cần có sự nương tựa vào nhau, giúp đỡ và bổ sung cho nhau. Khi sứ vụ của mỗi người được chia sẻ, nó trở thành sứ vụ chung của cộng đoàn. Đây là nét đẹp rất đáng trân trọng biểu lộ tình hiệp thông chân thật trong cộng đoàn. Thiếu nét đẹp này, tinh thần cộng đoàn dễ bị phân tán, rời rạc. Khi nào chị em trong cộng đoàn dửng dưng với sứ vụ của nhau, cộng đoàn dễ bị suy thoái. Thánh Phaolô khuyên chúng ta nuôi dưỡng tinh thần khích lệ và nâng đỡ nhau trong mọi công việc: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm việc tốt” (Dt 10, 24).
Việc sống chung trong một cộng đoàn thánh hiến còn có ý nghĩa là chị em đồng tâm nhất trí, nên một với nhau trong đời sống đức ái và trong sứ vụ. Vì thế, cộng đoàn cần tổ chức và phân nhiệm thế nào để chị em hiểu biết công việc của nhau, biết chia sẻ trách nhiệm và dễ dàng giúp đỡ nhau trong sứ vụ cũng như trong bổn phận. Khi có chị em thi hành sứ vụ tông đồ tại giáo xứ, nơi học đường hay bất cứ ở đâu, thì các chị em ở nhà phải là giá đỡ vững chắc cho người đang thi hành sứ vụ. Đó là yếu tố giúp nhau cảm nhận sự thuộc về và thúc đẩy nhau hăng say trong trách vụ.
KẾT LUẬN THỰC HÀNH
Chúng ta đang cùng Giáo Hội sống chủ đề “HƯỚNG ĐẾN MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ”. Trong tinh thần này, chị em Mân Côi cùng liên kết với nhau trên một hành trình:
- HIỆP THÔNG với Chúa và với nhau trong kinh nguyện
- THAM GIA tích cực vào nếp sống cộng đoàn
- Liên kết với nhau trong SỨ VỤ
Để kết thúc, chúng ta nhắc lại câu Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Philip, như Lời của Chúa nói với ta hôm nay: “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhượng mà coi người khác hơn mình! Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Phil 2, 2-4).
Ước mong mỗi chị em Mân Côi trở thành một chuyên viên của tinh thần hiệp hành. Xin Chúa giúp chúng ta ngày càng thấm nhuần chân tính đoàn sủng Mân Côi để chúng ta biết trân trọng và làm vang lên chiều sâu của sự phong phú thiêng liêng trong đặc sủng và linh đạo, các truyền thống và lịch sử của Hội Dòng. Xin Mẹ Mân Côi tiếp tục đồng hành với chúng ta trên con đường sống phù hợp với thánh ý Chúa.
Rose Vũ Loan, FMSR
[1] GSD I, 222
[2] GSD I, 397
[3] GSD I, 259
[4] x. Tông Thư Kinh Mân Côi, số 41
[5] x. CT 39
[6] HLD 27
[7] Thư Chung Tổng Công Hội 23 số 27
[8] HLD 40, 4