THƯ ĐỊNH HƯỚNG NIÊN HỌC 2023-2024

 

Theo định hướng của Tổng Công Hội XXIV, chúng ta bước vào niên học 2023-2024 dưới sự dẫn dắt của câu Lời Chúa và cũng là khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha Tổ Phụ: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”. Khẩu hiệu này sẽ được triển khai cho chị em Mân Côi học tập trong suốt 4 năm. Trong niên học này, chúng ta chọn chủ đề: HẾT LÒNG NHẪN NHỤC VÀ TẬN TÂM TRONG SỨ VỤ. Chủ đề này sẽ được triển khai thành 6 chủ đề chi tiết sau đây:

  1. Phát triển đời sống nội tâm sâu đậm (Tháng 9 và 10-2023)
  2. Tinh thần tông đồ của chị em Mân Côi (Tháng 11 và 12-2023)
  3. Nhẫn nhục và tận tâm, hai phẩm tính cần thiết của nữ tu tông đồ Mân Côi (Tháng 01 và 02-2024)
  4. Tính cách và nhân đức của nữ tu tông đồ Mân Côi (Tháng 03 và 04-2024)
  5. Tinh thần học hỏi và óc cầu tiến theo giáo huấn ĐCTP (Tháng 05 và 06-2024)
  6. Tương quan trong mục vụ tông đồ (Tháng 07 và 08-2024)
  1. Phát triển đời sống thiêng liêng sâu đậm

Là một nữ tu tông đồ, chúng ta có sứ mạng giúp người khác thăng tiến đời sống làm người và làm con Thiên Chúa trong Giáo Hội theo khuôn mẫu của Đức Giêsu. Vậy trước hết, chúng ta cần phát triển nơi mình một đời sống thiêng liêng vững chắc và một kinh nghiệm vừa sâu xa, vừa cá vị về Thiên Chúa. Bất cứ một công việc lớn nhỏ thế nào, chúng ta cũng cần đến ơn Chúa trợ giúp; một người có đầy đủ khả năng chuyên môn thế nào, cũng cần đến sức thiêng của Chúa như hồn sống cho mọi hoạt động của mình.

Để phát triển đời sống thiêng liêng ngày càng sâu đậm hơn, Đức Cha Tổ Phụ dạy chúng ta “phải luôn đặt các việc thiêng liêng lên hàng thứ nhất những việc phải làm trong ngày”[1]. Ngoài các bổn phận thiêng liêng được thực hiện cách trung thành và có chất lượng, chúng ta còn gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi sinh hoạt đời thường, để nên một với Chúa, được Chúa tiếp thêm sức mạnh và tình yêu, giúp chúng ta vượt thắng những khó khăn bên trong cũng như bên ngoài, cũng như để ngày càng trở nên người tông đồ đích thực mà Chúa có thể sử dụng theo đúng kế hoạch của Người.

  • Tinh thần tông đồ của chị em Mân Côi

Tinh thần tông đồ được hiểu là lòng hăng say, đầy nhiệt huyết như các thánh tông đồ, một lòng yêu thương các linh hồn khiến ta từ bỏ mọi sự vì phần rỗi của họ. Vậy, điều quan trọng để trở thành người tông đồ đích thực là phải có tâm hồn tông đồ chứ không phải chỉ có danh hiệu tông đồ. Chính sự nhiệt thành và tâm hồn tông đồ làm cho chúng ta thành người tông đồ đích thực chứ không phải chỉ dựa vào những công việc chúng ta làm.Mang trong mình ơn gọi Mân Côi, chị em không ngừng nuôi dưỡng và làm tăng trưởng tình yêu đối với Chúa Giêsu, với Giáo Hội và với con người. Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng: “Ở Nhà Dòng, cốt nhất là để mở Nước Chúa; làm chị dòng, cốt nhất là để cứu linh hồn người ta, giúp việc Hội Thánh và làm cho Chúa được vinh danh” (GSD I, 326).

Ngày nay, trong lãnh vực dạy giáo lý, coi sóc các hội đoàn hay giáo dục văn hóa, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, nên đòi hỏi người tông đồ phải đầy tình thương và lòng nhiệt thành, can đảm và sống hết mình với những người mình phục vụ, nhất là những người còn non yếu về đức tin và kém may mắn. Khi có đủ tình yêu và lòng nhiệt thành, chúng ta sẽ có sáng kiến tìm ra những phương thế phù hợp với con người để giới thiệu Chúa Giêsu cho họ.

  • Nhẫn nhục và tận tâm, hai phẩm tính cần thiết của nữ tu tông đồ Mân Côi.

Nhẫn nhục và tận tâm là hai phẩm tính mà bất cứ ai làm việc tông đồ cũng không thể thiếu.Cách riêng đối với chị em Mân Côi, Đức Cha Tổ Phụ, với khẩu hiệu Giám mục: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2 Tm 4, 2), đã để lại cho chị em tấm gương đáng kính phục trong việc lãnh đạo giáo phận, trong giảng dạy và trong cách đối xử với mọi người. Qua những lời giáo huấn dành cho Hội Dòng, Đức Cha nhắc chị em luyện tập đức nhẫn nhục và tận tâm khi làm bất cứ việc gì: “Biết nhịn nhục mọi sự không vừa ý, vội quên sự người ta phạm đến mình, không kể gì đến sự nhỏ nhen trái ý…”(GSD I, 371), và  “trong các việc phải thi hành, ta nên chú ý riêng đến sự tận tụy hằng ngày và sự quên mình đi, hy sinh vì kẻ khác” (GSD I, 670).

Trong đời sống, chúng ta thường gặp phải những nghịch cảnh do thiên nhiên hoặc do chính con người hay do hoàn cảnh gây ra. Vậy, chúng ta phải làm gì để có thể vươn lên từ những nghịch cảnh, để giữ được sự bình tâm, niềm vui và lòng hăng say trong cuộc sống. Kinh Thánh đã đề cao sự nhẫn nhục như một ân huệ của Chúa Thánh Thần: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22), và coi sự tận tâm như một thái độ quyết tâm phụng sự thánh ý Chúa trong bất cứ công việc lớn nhỏ nào: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3, 23).

  • Tính cách và nhân đức của nữ tu tông đồ Mân Côi

Khi làm việc tông đồ, người giáo dân thường được thuyết phục bởi tính cách và gương sáng nhân đức của người tông đồ hơn là bởi tài năng. Vì hai yếu tố này thường tác động trực tiếp đến người chúng ta phục vụ nhiều hơn là nội dung chúng ta truyền đạt. Tính cách và các nhân đức của nữ tu tông đồ Mân Côi được Đức Cha Tổ Phụ nói đến trong các giáo huấn của người.

  • Thái độ hiền lành và khiêm nhường
  • Nêu gương sáng thánh thiện cho các em
  • Có tấm lòng của một người mẹ
  • Yêu thương người mình phục vụ
  • Tinh thần hợp tác và đồng trách nhiệm.
  • Tinh thần học hỏi và óc cầu tiến theo giáo huấn ĐCTP

Trong xã hội con người, tri thức đóng vai trò quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững. Trong việc huấn luyện linh mục và tu sĩ, tri thức là một trong bốn chiều kích được Giáo Hội nêu lên trong các văn bản hướng dẫn việc đào tạo. Đối với đời thánh hiến, việc huấn luyện tri thức còn được xác định bởi sứ vụ, nên phải phù hợp với tinh thần và đặc sủng của Hội Dòng. Vì thế, Đức Cha Tổ phụ dạy chị em phải học cách tường tận những gì mình dạy và cũng phải biết cách đối xử với người học: “Mục đích riêng của Nhà Dòng trước hết là sự dạy học. Chị em không những phải học hành cho thông các khoa mình dạy mà còn biết cách dạy và cư xử với học trò”[2].

Trong khi thi hành sứ vụ, chúng ta cần ý thức mình là những người tiếp nối công việc của Chúa Giêsu, nên điều trước tiên cần học biết là Lời Chúa, để có những suy nghĩ, tâm tình và thái độ như Chúa. Thêm vào đó, phải học biết những chuyên môn, kỹ năng và cả những gì liên quan đến cuộc sống để có thể đáp ứng nhu cầu của người mình phục vụ cách hiệu quả hơn. Thấy rõ được sự cấp thiết của vấn đề, ngay từ khi vào Dòng và trong những giai đoạn tiếp theo, chị em cần được học hỏi và mỗi ngày càng đào sâu thêm những vấn đế thuộc chuyên môn của mình.  

  • Tương quan trong mục vụ tông đồ

Cuộc sống của người tông đồ có nhiều mối tương quan. Trong khuôn khổ một bài chủ đề học tập, chúng ta chỉ đề cập đến mối tương quan với những người có liên hệ đến việc mục vụ tông đồ. Đó là tương quan với cha xứ, và các thành phần trong giáo xứ. Cách riêng là với những người chúng ta phục vụ.

Trong một thế giới tự do và nhân quyền, tương quan giữa người với người không còn là tương quan trên-dưới, thầy-trò hay chủ-tớ, nhưng là tương quan hiệp thông trong đức ái. Đức Thánh Cha Phaolô IV đã nói đến vai trò người rao giảng Tin Mừng là chứng nhân cho sự hiệp nhất: “Là những sứ giả Tin Mừng, chúng ta phải cống hiến cho các tín hữu của Đức Kitô, không phải hình ảnh của những con người chia lìa nhau vì những tranh chấp không chút xây dựng, nhưng là hình ảnh những con người chín chắn trong đức tin, có khả năng gặp gỡ nhau bên trên những căng thẳng thực tế nhờ việc cùng nhau tìm kiếm chân lý một cách chân thành và vô vị lợi. Số phận công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn được gắn liền với việc sống và làm chứng cho sự hiệp nhất”[3].

Tóm lại, khi được chọn gọi làm nữ tu tông đồ của Chúa, chúng ta hạnh phúc dâng Chúa cả cuộc đời của mình để thi hành sứ mạng “mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người”, bằng việc diễn tả lại cuộc đời của Chúa qua đời sống chứng tá của mình. Để có thể hoàn thành sứ mạng này, trước hết, chúng ta cần đến sức thiêng của Chúa và luôn có Chúa bên mình, như ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai”[4].

Xin kính chúc toàn thể chị em Mân Côi bước vào niên học mới với nhiều niềm vui, lòng hăng say tận tụy với sứ vụ trong các môi trường khác nhau. Xin cho cuộc sống chúng ta luôn rạng ngời hạnh phúc khi ở với Chúa và trở nên muối men giữa lòng đời bằng sự hiện diện tốt lành, bằng đời sống thánh thiện và bằng sự hăng say dấn bước trên mọi nẻo đường sứ vụ.

M. Rose Vũ Loan, FMSR


[1] GSDI, 438

[2] GSD I, 531

[3] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn  Loan Báo Tin Mừng, 77

[4] ĐHY PHANXICO XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy Vọng, số 292