Tính cách và nhân đức của nữ tu tông đồ Mân Côi

 

 

Là con người, chị nữ tu Mân Côi không thể tránh khỏi những yếu đuối của thân phận con người. Thế mà, Thiên Chúa lại mời gọi chị làm chứng cho hồng ân Cứu Độ của Ngài và hiện diện như muối như men giữa dòng đời, bằng chính con người rất ư tự nhiên đầy khiếm khuyết. Như các tông đồ xưa, Chúa Giêsu không những kêu gọi chị từ bỏ thế gian, người thân mà còn cả chính mình nữa.[1]  Cái tôi nhiều yếu đuối kia lại là cái khó từ bỏ nhất, đòi chị không ngừng cắt tỉa và thao luyện, nếu chị muốn mặc lấy tâm tư, thao thức, và các giá trị Nước Trời mà Chúa Cha mong mỏi nơi các môn đệ.  Vì thế, tùy theo mức độ người nữ tu cố gắng nên giống Đức Kitô trong các nhân đức được chiếu tỏa qua thái độ, lời nói, và cách ứng xử, mà chị có thể làm men làm muối cho đời với sức biến đối người khác không cần lời nói.  Vì “khi làm việc tông đồ, người giáo dân thường được thuyết phục bởi tính cách và gương sáng nhân đức của người tông đồ hơn là bởi tài năng. Vì hai yếu tố này thường tác động trực tiếp đến người chúng ta phục vụ nhiều hơn là nội dung chúng ta truyền đạt.”[2]  Như vậy, để trở thành một nhà tông đồ truyền giáo, theo Đức Cha Tổ Phụ, người nữ tu Mân Côi đích thực cần nêu cao 3 đức tính căn bản:

A.  Nhân đức hiền lành và khiêm nhường với tính cách cộng tác và đồng trách nhiệm

B.  Tấm lòng của một người mẹ với tính cách yêu thương người mình phục vụ

C.  Nêu gương sáng thánh thiện

I.  Nhân đức hiền lành & khiêm nhường với tính cách hợp tác và đồng trách nhiệm

Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy học nơi Ngài, sống hiền lành và khiêm nhường để tâm hồn  được giải thoát khỏi ách nặng nề của tự ái, tự kiêu, tự tôn, tự đại và còn nhiều các thứ “tự” khác nữa. Hệ quả  của các thứ  “tự” này thường đưa đến sự tê liệt trong tâm hồn, và làm mất tự do nội tâm.  Người kiêu ngạo hay tìm và quy mọi vinh dự về mình.  Họ đề cao thành công, chức vụ và bảo vệ sĩ diện.  Vì thế, họ khó chấp nhận khi người khác trổi vượt hơn mình, nhất là những người xem ra  thấp kém hơn họ.  Họ rất hãnh diện khi được công nhận và khen ngợi, nhưng dễ suy sụp khi thất bại hay bị chê bai.  Một khi cái “tôi”  được bảo kê và nuông chiều thì ý riêng cũng phát triển không kém. Nhiều khi không kiểm soát được những khuynh hướng tự nhiên của bản thân, họ vô tình ứng xử với tính cách thể hiện bản thân:  ghen ghét, cạnh tranh, so đo hơn thiệt.  Đức Cha Tổ Phụ diễn tả rõ hơn như sau:  Nếu chị em là người kêu ngạo, chị em sẽ không có chút mầu đạo đức nào.  Chị em sẽ khô khan lạnh lẽo, sẽ chóng ngã lòng, sẽ tự phụ, sẽ càn giở, sẽ phô trương, sẽ giận dữ, sẽ cứng cổ kiêu căng, tham lam, ghen tương, sẽ cứng lòng trong sự oán hờn và mở lối cho hết mọi nết xấu.[3]  

Nếu tâm tư luôn lấp đầy cái “tôi”  kếch sù, thì chẳng còn chỗ nào cho Chúa và cho tha nhân nữa. Một tâm hồn quy ngã bị đè nặng bởi các cái thứ “tự” của kiêu căng này, thì khó có thể hợp tác trong những công việc chung đòi sự cộng sức gom tài.  Đối với những xu hướng này, làm việc riêng có thể rất thành công, nhưng làm việc chung thì khó, vì đòi phải nhún nhường đón nhận ý chung.

Để lật ngược khuynh hướng tự nhiên này, chi nữ tu Mân Côi được mời gọi mặc lấy đức hiền lành và khiêm nhường của Chúa Kitô, là Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,  nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”[4]    Trạng thái tâm hồn của chị nữ tu hiền lành và khiêm nhường là trân trọng sự thật (phục thiện) và biết mình.  Câu chuyện được kể trong Bản Xét Mình Hằng Ngày, Hằng Tuần, Hằng Tháng, Hằng Năm mang tựa đề “Tôi và Mozart”,  nêu rõ về ý tưởng này:

Một nhạc sĩ trẻ 20 tuổi, đi đâu, nhất là ở những nơi đông người, anh ta cũng trịnh trọng vỗ ngực nói oang oang:  “Âm nhạc của tôi và Mozart”.  Đến năm 40 tuổi, gặp những chỗ đông người, anh ta nói từ tốn và nhẹ nhàng hơn: “Mozart và tôi”.  Rồi đến 60 tuổi đi đâu anh cũng chỉ nói một tiếng:  “Mozart”.[5] 

A. Trân trọng sự thật:  

Ngày nay con người  có xu hương đánh giá sự kiện theo cái nhìn “chủ quan cá nhân”, hoặc của đám đông, của văn hóa,  lý luận theo giá trị và lợi nhuận của thế gian.… Sự thật được liệt kê vào hạng tương đối. Lương tâm giảm phần nhậy bén; khả năng biện phân “phải trái”  bị kiệt quệ.  Tiêu chuẩn của cái “thật” kiểu này là lý luận hợp tai nghe và theo sức lôi cuốn của trào lưu.  Chị nữ tu Mân Côi, là muối và men giữa đời, phải hướng lòng về sự thật của giá trị Tin Mừng.  Lòng khiêm nhường thẳm sâu sẽ khiến chị nhìn nhận sự thật như Chúa nhìn và ứng xử theo đó, nhất là khi công nhận sự thật, chị có thể bị thiệt thòi về danh dự cũng như vật chất. 

Sự thật đầu tiên cần ghi khắc sâu trong tâm đó là tất cả những gì chị có đều là hồng ân Thiên Chúa ban tặng.  Chị chẳng có lý do gì để kiêu hãnh hay vênh vang.[6]  Mọi vinh dự là của Thiên Chúa và cho Thiên Chúa.  Đó là mục đích cuộc của đời chị. [7]  Trong các tình huống, chị phải nhận định sự kiện theo như nó là, dưới sự soi sáng của Chúa  Thánh Thần,  chứ không theo cảm xúc  hay quan điểm cá nhân hoặc của đám đông.   Chị xác tín rằng thành công thất bại là của Chúa. Nếu tâm hồn chị thanh thản và tự do, thì tính cách của chị cũng sẽ chiếu tỏa sự an bình, kiên nhẫn, lắng nghe, và kiên trì, khi cùng chị em chu toàn sứ vụ.  Tính cách ấy sẽ để lại trong lòng người những ảnh hưởng sâu đậm, như Đức Cha Tổ phụ nhận xét :  Đức ngay thẳng làm cho mọi người tín nhiệm và trọng kính.  Trong con mắt ngay thẳng, trong cách đi đứng đơn sơ, trong lời nói chân thật, có một cái gì kéo lòng người ta làm cho người ta không thể hãm lại được.[8] 

            Về lời nói,  chị phải hết sức thận trọng, vì lời nói biểu lộ tâm trạng và con người thực của chị.  Chúa Giêsu dạy rất rõ về điều này, “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra.” [9] Ba điều chị cần lưu ý về sự thật trong lời nói[10]:

a) Lời nói chớ xuyên hoa:   Không nên có những lời nói thêm bớt hoặc đoán chừng khiến người nghe hiểu lầm, hiểu sai. Điều này gây chia rẽ, phá đổ tính hiệp nhất trong việc chung.

b)  Phải thật thà trong lương tâm:  Chị phải rất thật với lòng mình. Dù vì lợi ích chung chăng nữa, chị cũng không nên có những lời nói hoặc hành vi nịnh bợ lấy lòng.  Người nghe sẽ hiểu ẩn ý của chị và coi thường chị.  Như thế, chị đã vô tình làm giảm bớt sự tin tưởng mà người ta dành cho chị.  Không gì gây rạn nứt mối tương quan hơn là mất đi sự tin tưởng nơi nhau khi làm việc chung.

c)  Sự va chạm là điều không thể tránh trong đời sống.  Khi chị bất chấp tất cả để cãi cho đúng lý hoặc phân bày để giải oan là việc làm thiếu sự hiền lành và khiêm nhường.[11]  Chúa Giêsu không làm như thế khi đứng trước quan tòa Philatô.

B.  Biết mình :

Sự thật thứ hai là, con người có giới hạn và nhiều khiếm khuyết. Đồng thời, cũng được ban tặng những ân huệ đáng khen ngợi.  Những điểm ưu và những điểm yếu nếu không được nhìn nhận cách đúng đắn sẽ có làm cho chị có cái nhìn ảo về mình.  Lăng kính tự tôn hoặc tự ty đều có nguy cơ tạo thành những lớp màn che sự thật về con người của chị. Vì thế, nếu chi tìm cách hạ người để hơn người hoặc dối người bằng cách bao biện các thiếu sót của mình là thiếu sự tự trọng và trung thực.  Hoặc vì tự ty, chị không dám xông pha dấn thân.  Điều này cũng bị Chúa Giêsu lên án vì không làm lời 1 nén bạc được trao, vì chỉ cậy dựa vào sức mình hơn quyền năng của Thiên Chúa.[12] 

Đức khiêm nhường là cánh cửa để mở tâm hồn, để chị dám nhìn nhận sự thật về mình.  Có những điểm chị hơn người nhưng cũng có nhiều điều chị không bằng ai.  Mẹ Maria cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì Mẹ đã được chọn gọi giữa muôn ngàn phụ nữ để làm Mẹ của Con Thiên Chúa.[13] Mẹ không chối sự thật và cũng chẳng quy ân huệ đó về mình khi được khen ngợi.  Trong lúc tối đen nhất cuộc đời dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ bình tĩnh đón nhận sự bất lực của mình và phó thác mọi sự trong tình yêu quan phòng của Cha.  Với đức khiêm nhường thẳm sâu, Mẹ đã giữ được thái độ điềm tĩnh và an hòa khi được nâng lên cũng như khi bị hạ thấp. 

Trong thực tế, chị nữ tu Mân Côi nhiều khi cũng được khen ngợi vì những thành quả đạt được trong sứ vụ. Nhưng với tâm hồn từ tốn, chị sẽ hướng tất cả về Thiên Chúa vì chị chỉ là một đầy tớ chu toàn nhiệm vụ của mình[14]. Chị đón nhận thành quả với tính cách đồng trách nhiệm với chị em trong  Hội Dòng.  Bởi vì “đằng sau một người có khả năng luôn luôn là những người có khả năng khác” hỗ trợ. [15]   Trong việc chung, tấm lòng khiêm nhu giúp chị cộng tác tích cực với tính cách như sau:[16] 

  • Sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm.
  • Xử lý bất đồng và xung đột một cách lành mạnh và tích cực trong tinh thần tôn trọng.
  • Sẵn sàng bàn hỏi và đón nhận góp ý,  điều chỉnh phương pháp tiếp cận khi cần thiết trong tinh thần lắng nghe và đối thoại.

II.   Tấm lòng của một người mẹ với tính cách yêu thương người mình phục vụ

Trước khi trao sứ vụ cho thánh Phêrô,  Chúa Giêsu hỏi ông ba lần,  “Con có yêu mến Thầy không?”[17]  Chỉ sau khi thánh Phêrô xác định rõ trọng tâm của lòng mình, Chúa Giêsu mới tín thác đoàn chiên cho ngài chăm sóc.  Tình yêu là điều kiện Chúa Giêsu đòi nơi thánh Phêrô khi đặt ông làm đầu Hội Thánh.  Một trọng trách lớn lao như thế mà điều kiện duy nhất chỉ là tình yêu, nói lên quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong thánh Phêrô khi chu toàn sứ vụ. Thiên Chúa cũng chỉ mong mỏi nơi chị nữ tu Mân Côi một tình yêu tự hiến  khi chu toàn sứ vụ.  Vì tình yêu biểu lộ tấm lòng tự do dâng hiến và chỉ với tình yêu chị mới có thể dấn thân vô điều kiện như một người mẹ cho những người con của mình.  Tình yêu ấy phải phát xuất từ tình yêu tri kỷ với Đức Kitô với mục đích là đem hạnh phúc đến cho những người mình phục vụ.  Đức Cha Tổ Phụ lưu ý những đặc tính của tình mẫu tử như sau: [18]

A.  Quên mình

Đặc tính của người mẹ là luôn hướng về con của mình, ước muốn những gì đẹp nhất, tốt nhất cho chúng, và sẵn sàng nhận phần thiệt về  mình.  Vì thế người mẹ có thể dấn thân một cách vô vị lợi, miễn sao con mình được hạnh phúc.  Thực tế trong sứ vụ, chị luôn ân cần lo lắng cho phần rỗi linh hồn của những người chị được trao phó. Chị kiên nhẫn lắng nghe những điều bận tâm của họ và khôn khéo dẫn họ về lẽ phải. Khi được trao  nhiệm vụ chăm sóc về thể xác, “chị phải nâng đỡ những đau khổ trong thân xác họ, mặc dù  chị thấy họ đã quá tưởng tượng hoặc đã quá phóng đại những bệnh tật của họ.”  Chỉ có tình mẫu tử mới khiến chị có sức và sáng tạo để làm những việc không tên  “ngoài”  phận sự của chị.  Chị ưu tiên phần tốt nhất cho họ, miễn sao không trái lương tâm, luật Chúa, luật dòng và trong ranh giới chị được phép.

B. Lòng nhân từ:  

Tấm lòng đại lượng của người mẹ thường được ca ngợi qua bao thế hệ. Đức Cha Tổ Phụ dạy chị phải luôn cố gắng vượt qua những khó chịu vì tính cách và khuyết điểm của họ.  Chị phải rất khôn khéo không tỏ thái độ tiêu cực để giữ được “nét mặt bình tĩnh, nhân từ và tươi tỉnh.”  Dù  họ có thiếu xót nhiều, , chị  vẫn  “phải …hài lòng khi thấy họ đã cố gắng đôi chút.”

C. Trao ban tình yêu đong đầy:   

Người mẹ luôn trao ban tình yêu tròn đầy cho tất cả các người con của mình.  Tròn đầy không chỉ là ai cũng được yêu đồng đều như nhau. Nhưng tròn đầy có nghĩa là tình yêu sẽ được trao ban tùy  theo cá tính và nhu cầu của mỗi người. Chuyện kể có một bà  mẹ kia chuẩn bị các phần hải sản cho con mình ở tiểu bang xa vùng biển.  Bà nói cá này để cho cậu  A, vì cậu ấy không thích cá nhiều xương.  Tôm này để cho cậu B vì cậu thích ăn tôm.  Cậu C thích chả cá cho nên dành riêng  cho cậu  phần này.  Tuy các phần được chia khác nhau, nhưng lòng bà chan chứa  tình yêu tròn đầy cho từng người con tùy theo nhu cầu và cá tính của mỗi người. 

Chị nữ tu Mân Côi cũng được trao những người con tinh thần để chăm sóc trong các môi trường  khác nhau: giáo dục, y tế, xã hội, mục vụ giáo xứ…Chị  được mời gọi để trao ban tình yêu đong đầy của Thiên Chúa cho từng người.  Dù họ là người kinh hay dân tộc, giầu hay nghèo, tốt hay xấu, chị phải biểu lộ sự tôn trọng đối với mọi người như nhau.  Đối với những người xấu số, chị càng phải quan tâm hơn.  Đồng thời chị luôn cảnh giác  để tránh tính cách thiên tư.  Tự nhiên chị sẽ dễ có cảm tình với những người dễ thương, dễ dạy, dễ nhờ, hợp tính, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cá nhân hoặc tập thể cho chị.  Do đó, chị có thể vô tình rơi vào tình trạng thiên tư khi chị lưu tâm chăm sóc và ưu tiên cho người này hơn người khác. Về vấn đề này, Đức Cha Tổ Phụ đã khuyên các vị bề trên cũng như khuyên từng chị em chúng ta:

Một bà bề trên dễ mắc phải tính thiên tư mà chính bà không ngờ, cũng không cảm thấy.  Bà không thấy rằng bà thiên vị một số người, mà khi người ta kêu trách bà thì bà cho là người ta ghen tương, và vì thế bà rất khó gỡ những dây thân ái riêng đã rất mạnh mẽ và hầu như cần thiết trong tim bà.[19]

III.  Làm gương sáng

Chị nữ tu Mân Côi được chọn để làm ánh sáng chiếu soi cho muôn dân.  Ánh sáng đó phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để qua các việc lành của chị, Thiên Chúa Cha được tôn vinh.[20]  Bởi thế, làm gương sáng là trách nhiệm của chị.  Hơn nữa, nếu Người đặt chị làm đèn thì buộc chị phải chiếu sáng.  Dù chị muốn hay không, trong bất cứ môi trường sứ vụ nào, chị  phải là  đèn soi về sự trung thực, về tâm đức khi làm việc, về tình bác ái, và về lòng nhân từ của Thiên Chúa.  

Thánh Giacôbê nói “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.”[21]  Cũng thế, lời giảng dạy không đi đôi với gương sáng của việc làm sẽ không thay đổi được lòng người.  “Gương sáng tự nó đã có một ấn tượng mạnh mẽ và lôi cuốn hợp với lời nói nữa, nó sẽ làm cho bề trên có uy thế và lôi kéo một cách không ngờ.”[22]  Rao giảng bằng lời nói xuông không mạnh đủ để thu hút lòng người.  Chúa Giêsu đã chẳng làm gương cho ta về đức vâng phục, về sự tha thứ, về lòng nhân từ, về lẽ công bằng sao?  Tất cả những gì Ngài rao truyền, Ngài đã thể hiện khi còn ở với chúng ta. 

IV. Kết

Từ thưở xa xưa  cha ông ta đã khẳng định rẳng:  “Đạo đức là gốc rễ của mọi thành bại trong cuộc sống”, dù làm bất kỳ công việc gì phải có đạo đức mới lâu bền. Trong chữ “đức” cũng bao hàm cả chữ “tâm”, tức muốn dạy ta làm việc bằng cả con tim, suy nghĩ bằng cả con tim và học cách cho đi cũng bằng cả con tim. [23]   Cũng cùng một công tác, khi chu toàn với một  cái “tâm”, hiệu quả của công việc ấy sẽ khác với cách làm cho xong trách nhiệm. Một ngày nọ khi phụ giúp cho bé ăn trưa,  mình thấy một cô giáo mầm non lau nhà lần thứ hai, thì buột miệng hỏi, “Ủa,  hồi nãy sơ thấy cô lau rồi mà.”  Cô mỉm cười, thanh thản lau, rồi trả lời,  “Sơ ơi, làm việc phải có tâm.”  Mình hiểu ngay lần thứ nhất lau chưa sạch cho nên cô lau lại lần thứ hai.  Công việc cô làm tuy không để lại ảnh hưởng lớn cho trường nhưng động lại trong lòng mình một chút hâm mộ và thán phục.  Mình cũng phải làm việc với cái tâm.

Câu chuyện của cô giáo mầm non nhắc nhở về tính cách và nhân đức khi thi hành sứ vụ. Vậy thì tính cách và nhân đức liên đới với nhau như thế nào?  Tính cách và nhân đức là một, nhưng hiện diện ở hai trạng thái khác nhau. Nhân đức là thái độ của tâm hồn.  Tính cách là cách ứng xử được biểu lộ qua thái độ, hành vi, và lời nói.  Điều tích chứa trong tâm là tốt hay xấu, là nhân đức hay thất đức chắc chắn sẽ bất ngờ bộc phát qua lời nói, qua hành động tích cực hay tiêu cực. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều này khi Ngài nói:  “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”.[24]  Tính cách kiên nhẫn, hiền hòa, ân cần, quan tâm và tôn trọng phát xuất bởi nhân đức khiêm nhường và yêu thương là gương sáng sẽ in ấn tượng tốt trong lòng những người ta phục vụ hơn những lời ta nói. 

Câu hỏi suy tư và cầu nguyện:

1. Đức khiêm nhường và hiền lành:

Tôi có dám nhìn nhận sự thật về mình hay về sự kiện như nó là khi được góp ý? Chị nghĩ người ta có thể có những nhận xét như thế nào về chị khi chị phủ nhận hay bào chữa cho những thiếu xót của mình?

2. Yêu thương người mình phục vụ:

Chị đã biểu lộ những tính cách nào để nói lên tình thương chan hòa của chị đối với những người chị phục vụ?

3. Làm gương sáng:

Chị đã sống chững tá như thế nào trong sứ vụ là một người lãnh đạo, là một nhà giáo, là một sinh viên, là một chị nữ tu Mân Côi?

Sr. M. Martine Nguyễn Thiên An, fmsr


[1] Lc 14:26; Mt 16:24 

[2] Nt M. Rosa Vũ Thị Loan, fmsr

[3] Gia Sản I,  Mãn Nhà Tập,  2011, tr. 459

[4] Pl 2:6-8

[5] Dòng Thánh Tâm Huế, Bản Xét Minh Hằng Ngày, Hằng Tuần, Hằng Tháng, Hằng Năm, 1965, tr. 209

[6] Icor 4:7

[7] Hiến Luật Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi, 2019, số 2

[8] Gia Sản 1, Sách Gối Đầu Của Các Bề Trên, 2011, tr. 620

[9] Lc 6:45

[10] Gia Sản 1, Vào Nhà Tập Làm Gì?, 2011, tr. 246

[11] Gia Sản 1, Vào Nhà Tập Làm Gì?, 2011, tr. 237

[12] Lc 19: 11-27

[13] Lc 1:46-56

[14] Lc 17:10

[15] Maxwell J., 2012, Lãnh Đạo Những Điều Ước Hẹn Từng Ngày, chuyển ngữ bởi Nguyễn K. Phúc, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo


 

[16] Kỹ năng hợp tác là gì? Tầm quan trọng và cách rèn luyện, https://tanca.io/blog, 31/08/2023

[17] Ga 21:15-18

[18] Gia Sản 1, Sách Gối Đầu Giường Của Bề Trên, 2011, tr. 574-575

[19] Gia Sản 1, Sách Gối Đầu Giường Của Bề Trên, 2011, tr. 634

[20] Mt 5: 14-16

[21] Gc 2:17

[22] Gia Sản 1, Sách Gối Đầu Giường Của Bề Trên, 2011, tr. 579

 

[23] Mr. Thoan, Chỉ có làm bằng cái “tâm” thì mới có thể vươn tới cái “tầm”!,  https://hahawave.com/, 31.1.2021

[24] Lc 6:43-45