Tâm Thư  Tháng 4/2023

 

 Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của tri thức và của sự phát triển tân tiến, nên việc học tập, và nhất là việc tự học có một vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống. Khi nói về việc học, cha ông chúng ta có câu: “Có học mới nên khôn”, bởi vì sự hiểu biết sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về bản thân cũng như có cái nhìn rộng mở về con người, về cuộc đời. Mỗi giây phút trôi đi là bao tri thức mới được ra đời. Cho dù chẳng bao giờ chúng ta biết hết được những điều mới lạ, nhưng chúng ta cũng cần phải học và học mãi để tu dưỡng bản thân, để biết ứng xử với mọi người, biết cách giải quyết vấn đề tốt hơn và biết đón nhận những hoàn cảnh xẩy đến với một tâm thế tốt nhất.

Đức Cha Tổ Phụ, là người luôn hết mình với việc đào tạo văn hóa, đức dục và trí dục, đã luôn quan tâm đến việc mở mang trí thức, nâng cao học vấn và óc phán đoán chân chính cho mọi người thuộc phạm vi ngài có trách nhiệm. Đặc biệt đối với các chị em Mân Côi, ngài khuyên phải lấy việc học tập là cần thiết, phải chuyên cần học hỏi với sự tận tâm và với hết khả năng của mình[1], ngài nói: “Phải học cho đủ điều, hiểu cho tận ý”[2]. Là một Hội Dòng lo việc tông đồ giáo dục, nên khi thi hành sứ vụ, chị em có trách nhiệm hướng dẫn người khác trong các lãnh vực tinh thần, đạo đức, luân lý, văn hóa và chuyên môn, nên cần có sự hiểu biết tương đối vững chắc và đầy đủ các lãnh vực mình đảm nhận. Nếu thiếu tinh thần học hỏi, chị em sẽ bị tụt hậu, không đủ khả năng hướng dẫn và cũng khó thích nghi được với những công việc mà sứ vụ đòi hỏi.

Trong mọi lãnh vực, việc học tập đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức và hoàn thiện bản thân. Khi có cơ hội, chúng ta tích cực tham dự các khóa học, và nhất là biết tự học bất cứ lúc nào: Học từ những trải nghiệm thực tế, học nơi chị em, nơi mọi người, học trong công việc, trong thành công thất bại và trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Tuy nhiên, có một cách học đơn giản và rất hiệu quả, đó là đọc sách, vì sách là kho tàng vô giá đúc kết những tinh hoa về tri thức và là di sản tinh thần của toàn thể nhân loại. Sách cho chúng ta biết về sự thật, sự thiện và vẻ đẹp hoàn mỹ. Sách mở mang tầm nhìn, làm cho trí tuệ trở nên sâu sắc và làm thay đổi con người theo hướng tốt đẹp hơn. Harvey Mackay nói rằng: “Cuộc đời ta thường thay đổi nhờ vào những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Đúng vậy, những người chúng ta đang sống chung hay gặp gỡ hằng ngày là những tác nhân giúp cho cuộc sống ta thay đổi. Cũng thế, những sách ta đọc cũng được xem như người bạn thân, có khả năng nâng cao tri thức, làm đẹp tâm hồn và giúp ta trở nên con người tốt hơn. Khi đọc sách, ta như được trò chuyện với tác giả. Những trang sách có thể nói với ta một cách tâm tình về Thiên Chúa, về con người và mọi khía cạnh cuộc sống. Sách cho ta những lời khuyên bảo, đưa ra những định hướng, giới thiệu những mẫu gương sống, giúp suy tư và cảm nhận, đưa ta đối diện với bản thân và những quy luật đạo đức, đồng thời cũng chỉ cho thấy những sai lầm hoặc những hành vi trái với lương tâm đạo đức cần phải tránh xa. Nói chung, sách mở rộng tầm hiểu biết và là tấm gương soi để ta tự vấn đời mình.

Tuy nhiên, có rất nhiều loại sách, mỗi loại có những chủ đích và những đặc điểm riêng theo từng lãnh vực. Vì thế, chọn sách mà đọc cũng là một điều quan trọng. Học giả G. Fieldinh nói rằng: “Những cuốn sách xấu có thể làm ta hư hỏng cũng như những người bạn xấu vậy”. Nếu chúng ta đọc những sách thiếu lành mạnh, thiếu trong sạch hoặc gặp sách nào cũng đọc thì đó là cách chúng ta hủy hoại đời mình. Như vậy, thà chúng ta không đọc thì còn đỡ nguy hại hơn. Đọc những sách giá trị với một mục đích rõ ràng, trong sáng, cũng giống như chúng ta được học với một người thầy tuyệt vời và chuyên môn nhất. Chúng ta cần khôn ngoan chắt lọc những sách hay và tốt, vừa mở rộng tri thức lại vừa làm phong phú tâm hồn và đem lại ích lợi cho đời sống. Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi học hỏi, phải biết khôn ngoan chọn lựa và đem ra thực hành:“Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe… thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4, 8-9). Đối với người thánh hiến, phần nào chúng ta có kinh nghiệm về sự lựa chọn những sách phù hợp với ơn gọi và sứ vụ của mình. Chúng ta thường đọc những loại sách giúp củng cố và nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần, đạo đức mà chúng ta thường gọi là sách thiêng liêng. Ngoài ra chúng ta cũng cần đọc thêm những sách cần thiết để rèn luyện nhân cách, nâng cao kỹ năng chuyên môn và thăng tiến sứ vụ của mình.

Cùng với sách, xã hội hôm nay cung ứng cho chúng ta vô số những phương tiện tự học rất phong phú qua mạng internet, truyền hình, phim ảnh, … Các phương tiện này cũng rất đa dạng và thường được người trẻ ưa chuộng hơn. Nhiều loại sách báo, các tác phẩm, các bài viết, phim ảnh cũng đã được đưa lên các trang mạng cách rộng rãi và bất cứ ai cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Như thế, việc học tập được mở rộng và rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc sử dụng những trang mạng dù rất tiện lợi và hấp dẫn, nhưng lại đưa đến một sự hời hợt nào đó trong việc lưu giữ những kiến thức. Bởi vì, khi lướt qua các trang mạng, chúng ta dễ lan man hết vấn đề này sang vấn đề khác, nên rất khó dừng lại suy tư, đặt vấn đề hay rút ra những bài học sâu sắc. Ngược lại, khi đọc sách, chúng ta dễ tập trung vào từng vấn đề, có đủ thời gian để suy gẫm chín chắn và tìm hiểu điều mình đọc một cách sâu sắc, đến nơi đến chốn. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự khác biệt nào đó trong khi tiếp thu một bài viết trên mạng và trong sách. Khi đọc sách, chúng ta mới có thời giờ tra cứu và thẩm thấu những ý nghĩa hay, những ngôn từ đẹp để vận dụng chúng vào cuộc sống. Do đó, người ta thường gọi “sách là loại văn hóa tri thức có chiều sâu”. Chúng ta cần luyện tập cho mình có văn hóa đọc sách, mỗi ngày một đoạn, một trang hay nhiều hơn tùy vào quỹ thời gian của mình.

Để có thể tự học qua sách vở cũng như qua các phương tiện truyền thông, chúng ta cần nắm vững nhu cầu của mình để chọn lựa những chủ đề phù hợp, có giá trị nâng cao tri thức, các chuyên môn, và nhất là hoàn thiện bản thân. Không cần đọc nhiều sách, nhưng cần đọc những sách có chất lượng, đọc ít mà áp dụng được, đọc có kết quả thì hơn là đọc nhiều mà sau đó không giữ lại được điều gì. Trong định hướng về việc huấn luyện tri thức, Giáo Hội dạy rằng: Tri thức không phải chỉ là nâng cao những kiến thức của thời đại, nhưng còn phải phát triển việc học thần học, nghĩa là học hỏi để càng ngày càng hiểu biết về Thiên Chúa và sống đức tin cách trưởng thành hơn, là giúp nghiên cứu và học hỏi để thấm nhuần Lời Chúa một cách sâu sắc và để Lời Chúa chất vấn đời sống của mình, nhằm vươn đến sự hoàn thiện bản thân, đồng thời học hỏi về con người để hiểu, thông cảm và dễ gần gũi với họ trong tinh thần hiệp thông[3]. Tất cả những gì chúng ta học hỏi, nhưng kiến thức chúng ta thủ đắc được, phải là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, là Cội Nguồn Chân-Thiện-Mỹ. Ý thức được điều đó, chị em Mân Côi tích cực trong việc tự học nhằm phát triển tri thức và đức hạnh, để trở nên con người trưởng thành về mọi lãnh vực, “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13).

 

Kính thưa toàn thể chị em rất thân mến,

Đức Cha Tổ Phụ dạy: Khi đã học thì “phải học cho thấu nguồn căn, học cho tường gốc ngọn”[4]. Thực ra, các khóa học chỉ cung cấp cho ta một lượng nhỏ những kiến thức có tính lý thuyết. Nếu muốn có vốn tri thức đầy đủ và sâu sắc, chúng ta phải chủ động và tích cực trong việc tự học. Hầu hết chị em đều có khả năng tự học, nghiên cứu hay tìm hiểu kỹ lưỡng những kiến thức cần thiết cho cuộc sống và cho sứ vụ. Để việc tự học trở nên đúng hướng và có hiệu quả, chúng ta cần xác định mục đích rõ ràng, luyện tập kỹ năng ghi nhớ và ứng dụng kiến thức đã tiếp nhận vào cuộc sống. Tuy nhiên, tri thức không phải là tất cả. Tri thức phải đi đôi với đức hạnh. Việc học sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không vận dụng kiến thức vào sự hoàn thiện bản thân.

Chúng ta sắp bước vào Tuần Thánh và Đại lễ Phục Sinh, thời gian ân phúc để cảm nhận và sống lại tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa cách sâu sắc hơn trong cuộc đời mỗi người. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta biết tận dụng thời gian quý báu này để học biết cách nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong việc làm phát triển những ân huệ Chúa ban bằng đời sống thánh thiện, yêu thương và phục vụ.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

 

 

[1] Gia Sản Dòng, cuốn I, trang 106

[2] Gia Sản Dòng, cuốn III, trang 422

[3] Tông huấn PASTORES DABO VOBIS, về việc đào tạo các Linh mục số 53

[4] Gia Sản Dòng, cuốn III, trang 106