Tinh thần học hỏi và óc cầu tiến
theo Giáo Huấn của Đức cha Tổ phụ
Khẩu hiệu Giám mục của Đức cha Maria Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, đấng Tổ Phụ của Dòng chúng ta, là “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2Tm 4,2). Khẩu hiệu này Đức Cha đã chọn từ chính lời của thánh Phao lô Tông đồ khuyên vị Trưởng giáo đoàn Timôthê. Đức cha đã trung thành thể hiện nó trong cuộc đời của mình qua các mối tương quan, qua từng ngày sống, trên bước đường theo Chúa, trong việc tự đào luyện bản thân, và đặc biệt qua các sứ vụ được trao. Với đời sống sứ vụ, sự nhẫn nại và tận tâm của vị Tổ phụ Dòng chúng ta được biểu hiện rõ nét nơi tinh thần học hỏi và cầu tiến trong đời sống của chính Ngài và qua các giáo huấn dành cho con cái.
I. Đức cha Tổ phụ là con người ham học hỏi và cầu tiến
- Chuyên chăm, cần mẫn trong việc học để sinh lời nén bạc Chúa trao
Sinh trong một gia đình nghèo, lại ngặt nghèo hơn từ khi người cha sớm được Chúa gọi về, cậu bé lên 10 tên Hồ Ngọc Ca phải nghỉ học khi mới đi học được 1 năm. Sau đó, được một linh mục thương giúp đỡ cho cắp sách đến trường. Thế nhưng, với gần 12 tuổi mà chỉ mới biết đọc biết viết tiếng quốc ngữ, thua xa trình độ các bạn đồng lứa, chúng ta hiểu cậu học trò này đã chuyên chăm cần mẫn vượt bậc như thế nào để trở thành một học sinh xuất sắc. Với những điều kiện không thuận lợi trên đường đèn sách như thế, chúng ta mới hiểu cái tinh thần học hỏi và cầu tiến mạnh mẽ như thế nào nơi một học sinh mà chẳng bao lâu sau trở thành tác giả hàng trăm cuốn sách tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng La Tinh.
Đã đành sự thông minh bẩm sinh là hồng ân Chúa ban, nhưng hồng ân ấy sẽ thui chột nếu không có sự chuyên chăm cần mẫn trui rèn. Nếu cái trí khôn minh mẫn là nén bạc được nhận, thì tinh thần học hỏi và cầu tiến là nỗ lực sinh lời nén bạc Chúa trao.
“Có trí mà chẳng biết dùng, có tài mà không lo tập thì nghịch ý Đấng đã ban trí tài.” (GSD III, 397)
- Chuyên chăm học hỏi và cầu tiến trong mọi lãnh vực
Được thừa hưởng dòng máu của người miền Trung, đầy ý chí và nghị lực, được hấp thu tinh thần đạo đức của gia đình, Đức cha không chỉ chuyên chăm học hỏi và cầu tiến trong lãnh vực tri thức, mà còn trong mọi lãnh vực: tu đức, nhân bản, y tế, ngôn ngữ, báo chí, cách ứng xử, các kỹ năng, kể cả nghệ thuật tuồng… Đúng như tác giả Nguyễn Tứ Đại trong báo Nam Kỳ Địa Phận đã viết:
“Văn chương lỗi lạc nghề thi phú,
Nho pháp hoàn toàn nghiệp bút bài.”
(GSD IV, tr. 38)
Không chỉ chăm học ở trường lớp, Đức cha còn không ngừng tự học, tự luyện trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, với mọi người:
“Hỏi bàn là việc đáng khen,
Lớn bàn với nhỏ có hèn chi đâu;
Mình tuy học trước ở lâu,
Có người tài trí sắc sâu hơn mình.”
(GSD III, 425)
Tinh thần cầu tiến thể hiện rất rõ nét nơi vị linh mục trẻ 26 tuổi qua các nỗ lực canh tân và phát triển tại các giáo xứ được sai đến. Tinh thần cầu tiến ấy còn vượt mọi khó khăn, mà chăm lo, tổ chức lại cả guồng máy địa phận Bùi Chu khi Ngài nhận trách nhiệm làm Giám mục.
- Chuyên chăm học hỏi và cầu tiến để phục vụ
Những tích lũy vốn liếng do “thiên phú”, do kinh nghiệm, do nghiên cứu học hỏi, Đức cha Tổ phụ không nhằm mục đích nào khác hơn là đem ra phục vụ cho Giáo hội, cho xã hội, trong sự nhẫn nhục hết lòng và tận tâm giáo huấn.
Tinh thần ham học hỏi và cầu tiến đã thôi thúc Đức cha Hồ Ngọc Cẩn đóng góp cho đất nước và giáo hội nhiều tác phẩm có giá trị về văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, tu đức.., cùng nhiều công trình vật chất, tinh thần, mưu ích cho dân tộc không phân biệt lương giáo, cả giới trí thức lẫn bình dân, trong lãnh vực đạo cũng như đời. Hơn 100 đầu sách và nhiều bài viết trong các tập san, những bài huấn đức, giảng lễ đầy chất lượng chất chứa tấm lòng của ngài muốn phục vụ, muốn giúp mọi người được thăng tiến.
Kỷ yếu Giáo phận Bùi Chu còn ghi lại: “Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, vị lãnh đạo thành công trong công việc phục vụ và canh tân giáo phận về mọi phương diện”. (GSD IV, tr.145)
Tác giả Huỳnh Công trong nhựt báo Nam Kỳ Địa Phận đã viết về Đức cha như sau:
“Mười bốn năm trời, giáo dục học sinh tại trường, nào tiếng Lang-sa (tiếng pháp), tiếng Latinh, nào văn chương, toán pháp. Trong lúc ấy, người nhơn dịp thì giờ có chừng độ, mà làm ra nhiều sách vở cùng viết nhiều bài giúp đỡ nhựt trình có đạo, để cho hậu lai hưởng cái gia tài trí thức của người lưu truyền vạn đại.”(GSD IV, tr. 30)
II. Đức cha Tổ phụ dạy chúng ta phải có tinh thần học hỏi và cầu tiến
- Phải chuyên chăm, cần mẫn trong việc học để sinh lời nén bạc Chúa trao:
“Làm người mà chẳng muốn học hành thì đã không nên thân phận, lại cũng trái thửa lẽ hằng, vì chẳng dùng trí Đấng Tạo Hóa đã ban.” (GSD III, tr. 397)
Thật vậy, Đức Cha coi trí khôn, tài năng như là những nén bạc Chúa ban và đòi chúng ta phải dùng để sinh lời, mà “dùng tài trí phải học hành”. Nếu không như thế, thì: “làm người có trí có tài, không dùng tài trí như loài vô linh.” (x.GSD III, tr. 398)
“Biết mấy người tiếng rằng thông minh chữ nghĩa, mà chẳng hề biết thi hành sự thông minh ra, tựu lại cũng không hay hơn người dốt.” (GSD II, tr.484)
- Phải chuyên chăm học hỏi và cầu tiến trong mọi lãnh vực
– Một trong những lãnh vực hàng đầu mà đấng Tổ phụ khuyên dạy chúng ta phải chuyên tâm học hỏi, là học biết về Chúa, về đàng chính trực:
“Chẳng có lời nào trọng cho bằng lời Đức Chúa Trời, lại chẳng có lời nào oai thần mạnh thế mà dạy dỗ người ta cho bằng Lời Chúa.” (GSD II, tr.214)
“Muốn lên cõi thọ hưởng vinh ba,
Năm tháng ngày giờ chớ bỏ qua,
Dốc chí noi theo đàng chính trực,
Quyết lòng xa lánh việc gian tà.”
(GSD II, tr.314)
– Như Đức cha Tổ phụ đã chuyên chăm học hỏi và cầu tiến trong mọi lãnh vực, và Người cũng dạy con cái mình, ngoài việc học biết Chúa, còn phải học tập rèn luyện cách toàn diện: tri thức, đức tính, cách ứng xử, các kỹ năng làm việc…
“Phải tu đức tánh, chớ rời văn chương.” (GSD III, tr. 544)
“Tài cao trí rộng mấy tầm,
Tâm tình chẳng luyện, đức âm chẳng thành.” (GSD III, tr.546)
“Mình biết nói phô hay, làm văn bài khéo, mà cách ăn nết ở mình chẳng hạp, thì càng thêm buộc tội cho mình mà chớ. Điều đã học tiên vàn phải thi hành ra trong cách ăn nết ở.” (GSD II, tr. 484)
“Giáo dục không những chỉ dạy cho biết chữ nghĩa văn chương, cho thông cổ kim sự lý, lại còn phải dạy cho thạo cách ăn thói ở đối với bổn thân cùng đối với hết mọi người mọi bậc.” (GSD II, tr.114)
“Trông rằng có học có hay; chẳng những hay chữ nghĩa văn chương, mà lại cũng hay cách ăn nết ở.” (GSD III, tr.538)
– Như vậy việc học hỏi, tập rèn mà Đức Cha khuyên chúng ta không chỉ giới hạn trong thời gian cắp sách đến trường mà phải trải dài trong mọi môi trường, mọi thời điểm, mọi tuổi tác:
“Phải dùng ngày giờ mà làm lành lánh dữ, mà khắc kỷ tu thân, đừng dám để qua giây phút nào luống công vô ích”… (GSD II, tr. 314). Bởi vì: “Không học hành trí khôn liền ten sét, chẳng dạy dỗ tính khí lại trỗ hư.” (GSDIII, tr. 403)
- Phải chuyên chăm học hỏi và cầu tiến để phục vụ:
“Người ăn học phải thi hành ra nơi miệng lưỡi, thi hành ra giữa văn bài. Khi có thể nói phô bày vẽ, thì chớ nại công lao, nếu làm được sách kia bài nọ, thì đừng phiền khó nhọc.” (GSD II, tr. 485).
Thật vậy, Đức Cha giải thích: “Học cho biết mà thôi, thì nào được ích gì, biết mà không dùng khi đáng dùng thì biết làm chi?” (GSD II, tr. 484)
“Tài trí con người, hễ ai biết tập luyện giồi mài, ắt sẽ nên một người hữu ích: ích cho mình đã đành, lại ích cho gia đình tông tộc, ích cho xã hội lân bang, ích cho thời hiện tại, lại ích cho thế kỷ tương lai.” (GSD III, tr.536-537)
III. Chúng ta thực hiện tinh thần học hỏi và cầu tiến như thế nào?
Nhìn lại tấm gương của đấng Tổ phụ luôn cầu tiến và chuyên chăm học hỏi, rồi ôn lại những lời dạy rất cụ thể của ngài dành cho con cái, có lẽ mỗi chị em chúng ta đều đã nhận ra những điểm tích cực đã có nơi mình, cũng như những điểm yếu cần lưu tâm ra sức tập rèn. Phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của bản thân trong tinh thần học hỏi và cầu tiến là chúng ta đang thực hành Hiến luật Dòng, mà sống theo Luật là sống theo Ý Chúa.
Chúng ta ở bất cứ giai đoạn nào, cần phải ý thức trách nhiệm bản thân trong việc tự đào luyện: “trách nhiệm huấn luyện thuộc về cá nhân mỗi tu sĩ.” (x. HLD 44.3). Việc đào luyện này “không bao giờ được coi là chấm dứt” (x. HLD 62.1)
Tự đào luyện tinh thần học hỏi và cầu tiến trong mọi lãnh vực, mọi hoàn cảnh như một bổn phận của đời hiến dâng và phục vụ:
[…] các chị em có bổn phận tự trau dồi về đời sống tinh thần, thiêng liêng, tu đức, tri thức và mục vụ. (x. HLD62.2).
Chị em phải biết tự rèn luyện bản thân qua đời “sống bề trong” sâu xa với Chúa, qua việc tự học hỏi và suy tư, qua những biến cố buồn vui trải dài suốt cuộc đời, qua cộng đoàn, qua chị em, và qua những hoạt động tông đồ. (x. HLD 62.3).
[…] Chị em luôn ý thức tự luyện cho mình những đức tính cần thiết, là đức nhẫn nại, hy sinh, lòng khiêm tốn, nhân từ, độ lượng, và khả năng đối thoại. Đồng thời cũng biết tự học hỏi, có tinh thần cầu tiến để làm giàu kiến thức và cải tiến phương pháp làm việc cho hữu hiệu. (x. HLD 40.2)
Một cách cụ thể, chúng ta cùng quyết tâm:
– Năng thực hành Lectio Divina.
– Tích cực trong những dịp tĩnh tâm, thường huấn bồi dưỡng.
– Luôn rút lấy bài học qua những biến cố cuộc sống.
Têrêsa Tịnh Khiết, FMSR