Tâm Thư Tháng 3/2023
Liên đới trong trách nhiệm chung
Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,
Đức Cha Tổ Phụ thường sánh ví Hội Dòng như một gia đình, mà đã là gia đình thì mọi thành viên phải có “một lòng một ý lo đến ích chung” (GSD I, 328). Nên một lòng một ý và cùng nhau hướng đến ích lợi chung là cùng nhau chung vai gánh vác Hội Dòng. Người ta thường nói: Tinh thần đồng trách nhiệm là thước đo mức trưởng thành và sự chững chạc của một con người. Người trưởng thành được xem là người có ý thức trách nhiệm với bản thân, với mọi việc mình làm, và còn hơn thế nữa, họ thấy mình có trách nhiệm với những người sống chung quanh, nên cuộc sống của họ mở ra cho thiện ích của mọi người. Vì thế, không phải cứ đến độ tuổi nào đó là trưởng thành. Có khi người đã lớn tuổi, nhưng chưa chắc đã đủ trưởng thành nếu chỉ biết quy về mình, về ý thích của mình, về công việc của mình, hoặc chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, không biết hy sinh bản thân vì người khác, không biết nghĩ đến ích lợi của chị em, của tập thể và thờ ơ với những công việc chung.
Theo Đức Cha Tổ Phụ, người thờ ơ là là người chỉ vun quén cho mình mà không cần quan tâm đến ai: “Người có tính thờ ơ chỉ biết mình và chỉ biết lo cho mình, còn ai sao thì mặc ai…”. Người thờ ơ lòng chai dạ đá. Thấy người vui mình cũng chẳng vui, thấy người buồn mình cũng chẳng buồn chi” (GSD I, 203).
Trong bản Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo số 8, Thánh Công Đồng Vaticanô II đề nghị khi huấn luyện con người, cần chú ý đến tinh thần đồng trách nhiệm: “Thánh Công Đồng khuyến khích mọi người, nhất là những ai có sứ mạng giáo dục kẻ khác, hãy cố gắng đào tạo nên những con người biết tự phán đoán các sự việc dưới ánh sáng chân lý, biết hành động với tinh thần trách nhiệm và cố gắng theo đuổi những điều chân thật và công bằng, biết tự nguyện cộng tác với người khác”. Thêm vào đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI còn nhấn mạnh từ việc cộng tác tích cực vào công việc chung, còn phải trở nên những “con người đồng trách nhiệm” cho việc sinh tồn và cho hành động của tập thể[1].
Nét đẹp của người có tinh thần đồng trách nhiệm là luôn biết quan tâm hoàn thành thật tốt từ công việc nhỏ đến công việc lớn, biết quan tâm cả đến những công việc không thuộc nhiệm vụ chính của mình, sẵn sàng đồng lao cộng tác và giúp đỡ cách nào đó công việc của người khác như Đức Cha Tổ Phụ đã dạy: “Khi thấy chị em làm việc gì nặng…, nếu có thể giúp được thì hãy nhanh tay vội chân lại giúp” (GSD I, trang 224) hoặc “Ai muốn nhờ con làm gì, con hãy vui lòng làm ngay. Trước mặt Chúa, hãy xem mình như tôi tớ chị em, giúp đỡ thật tình” (GSD I, trang 404).
Hội Dòng hay cộng đoàn là nơi giúp ta phát triển toàn diện về ý thức trách nhiệm, khi chúng ta đảm nhận tốt vai trò của mình, có sáng kiến để thi hành cách hiệu quả những bổn phận và tích cực tham gia mọi sinh hoạt, mọi công việc chung, để mang lại ích lợi cho Hội Dòng. Khi ta lo cho bản thân, chỉ mình ta được hưởng lợi trong sự cô độc, ích kỷ và chắc chắn cuộc sống sẽ nặng nề, buồn chán và thiếu niềm vui. Khi ta biết hướng về lợi ích chung, mọi người sẽ cùng chung hưởng những thiện ích trong sự thân thương, trong niềm vui và trong sự hiệp nhất nên một. Tinh thần đồng trách nhiệm là một lối sống đẹp, một phẩm chất cao quý, một giá trị đạo đức và cũng là nguyên tắc chi phối đời sống cộng đoàn, nên mỗi chị em cần chủ động thực hiện như một cách chúng ta phải trả lẽ trước Thiên Chúa và Hội Dòng. Đặc biệt, trong thời gian Hội Dòng đang chuẩn bị cho Tổng Công Hội chung sẽ diễn ra vào tháng 07-2023.
Là một thành viên trong gia đình Hội Dòng, tất cả chúng ta đều nhận được một đặc sủng như nhau nên cũng đồng trách nhiệm như nhau. Việc tham gia vào công việc chung của Hội Dòng qua việc nhận định, lượng giá và đóng góp ý kiến cho Tổng Công Hội sắp tới là cách chúng ta góp phần mình vào việc chọn lựa hướng đi cho Hội Dòng, sao cho mọi chị em có thể sống đời tu Mân Côi ngày càng phù hợp với tinh thần của Tin Mừng và với Đặc sủng của Đấng Sáng Lập. Vì thế, chúng ta sẵn sàng nói lên những gì có thể đem lại ích lợi cho chị em, cho cộng đoàn hay cho Hội Dòng. Ý kiến của chúng ta có được số đông tán thành hay không, lại là chuyện khác, nhưng khi chúng ta tích cực đóng góp những thao thức của mình cho sự thăng tiến Hội Dòng, là chúng ta đã sống đúng với trách nhiệm của một thành viên trong Hội Dòng.
Sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo số 14 hướng dẫn chúng ta sống tinh thần đồng trách nhiệm bằng cách “dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để chu toàn những phận vụ đã được uỷ thác cho mình”. Như vậy, việc chúng ta cần làm trong tháng này là nỗ lực đóng góp phần mình vào công việc của Tổng Công Hội qua những lá thư góp ý gởi về cho Ban Chuẩn bị. Đây là cách chúng ta đóng góp tốt nhất cho lợi ích chung của Hội Dòng.
Mức độ ý thức về tinh thần đồng trách nhiệm là tiền đề quyết định cho các mối tương quan tốt đẹp của chị em với nhau và thúc đẩy sự tham gia tích cực vào mọi dự phóng và nếp sống chung của Hội Dòng. Trong nếp sống chung, sẽ không khó để nhận ra một người có trách nhiệm ở mức độ nào: cao, thấp hay trung bình. Đây là một phạm trù đạo đức, nhân cách, còn được đánh giá cao hơn cả khả năng và trình độ tri thức. Vì thế, nếp sống chung luôn cần đến những con người có trách nhiệm bản thân, và hơn thế nữa, còn phải liên kết với nhau trong mọi sinh hoạt chung để mỗi người một tay, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, biết sống cho mọi người nhiều hơn.
Cuộc sống hôm nay, với khuynh hướng lo cho mình, cho người của mình, nên xã hội sản sinh ra “căn bệnh trốn trách nhiệm”, “đổ lỗi cho nhau”. Nhiều người thường đơn giản nghĩ rằng để yên thân, chúng ta chỉ lo chu toàn việc mình, việc khác có người khác lo… Đây là lối sống thu hẹp tương quan, lối sống cá nhân chủ nghĩa, lối sống nghèo nàn vì làm mất đi cơ hội nâng cao giá trị bản thân và làm phong phú hóa cuộc sống của mình. Một đời sống biết trao ban sẽ làm cho con người nên giầu có, không những trong những gì mình có, mà còn cả trong sự rộng lượng, trong sự cống hiến cho thiện ích chung, để mọi người cùng được chung hưởng. Đây là một sự bổ trợ lẫn nhau để chúng ta cùng được lớn lên trong đức ái và trong sự thuộc về.
Để luyện tinh thần đồng trách nhiệm, chúng ta cần có một động cơ trong sáng trong tất cả mọi việc mình làm, không nhắm tìm sự thuận lợi cho riêng mình, nhưng muốn đặt lợi ích chung trên tất cả và quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả những gì mình có bổn phận hay chỉ là cộng tác, tham gia, trong lãnh vực đối với bản thân, đối với Hội Dòng hay trong lãnh vực chuyên môn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Công ích là điều tốt lành thực sự cho con người. Nếu một người chỉ tìm ích riêng của mình thì đó là người ích kỷ. Ngược lại, con người cao thượng hơn, khi trao mở ích lợi của mình với tất cả, khi biết chia sẻ nó”[2]. Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn mô tả con đường hạnh phúc của mỗi người phải bắt đầu từ việc lội ngược dòng: Đi từ sự ích kỷ đến việc nghĩ đến người khác. Khi đời sống đóng kín cho lợi ích cá nhân và không còn chỗ cho người khác, chúng ta không được hưởng sự ngọt ngào của tình yêu thương[3].
Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng,
Thánh Phaolô dạy chúng ta, khi“sống trong chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu”(Eph 4,15). Khi lớn lên, chúng ta không chỉ lớn khôn về thể xác mà còn về nhân cách, về ý thức trách nhiệm, nhất là biết hướng về nhau, tìm ích lợi cho nhau và biết hợp tác với nhau trong tinh thần đồng trách nhiệm. Chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh 2023, xin Chúa ban cho chúng ta luôn tiến bước trên hành trình tập luyện thiêng liêng với tất cả sự bền tâm kiên trì, biết tận dụng từng thời khắc của Mùa Chay ân phúc để vươn tới sự thánh thiện và biết góp phần mình làm cho cuộc sống tươi đẹp và phong phú hơn. Xin Mẹ Maria dẫn dắt chúng ta biết lối đi vào chiều sâu tâm tinh, luôn dễ thương khi sống với mọi người, nhiệt thành trong sứ vụ, năng động trong việc huấn luyện và tích cực chia sẻ, cộng tác với Hội Dòng trong tinh thần xây dựng và yêu mến.
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
Rose Vũ Loan, FMSR
[1] ĐTC Bênêđictô, Sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội kỳ 6, “Diễn đàn quốc tế” của Phong trào Công Giáo tiến hành, nhóm tại thành phố Iasi bên Rumani từ ngày 22 đến 26-8-2012
[2] ĐTC Phanxicô: Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích
[3] Giáo huấn ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Hạnh Phúc, 20-03-2015.