TÂM THƯ THÁNG 06-2023
TÍNH THÁNH THIÊNG TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN
Thánh thiêng và thế tục là 2 phạm trù của đời sống con người. Theo giải thích của Tự điển Bách khoa: Thánh thiêng được xem là tất cả những gì thánh thiện, cao quý và đáng kính trọng, nên cần được bảo vệ giữ gìn. Còn thế tục có tính đối lập với thánh thiêng, là tất cả những tập tục ở đời, những gì là phàm tục.
Trong giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ, ngài căn dặn chị em khi đã là người nhà dòng, thì “lòng trí ngũ quan phải chứa đầy Thiên Chúa”[1]. Ngài dạy chị em khi thực hành các giờ kinh nguyện, khi làm các việc đạo đức hoặc khi làm bất cứ công việc gì, cũng phải làm với một tinh thần siêu nhiên và một ý hướng ngay lành. Trong mọi sự, nếu thiếu ý hướng ngay lành hoặc thiếu tinh thần siêu nhiên, thì chị em đang tìm vinh danh và sự kính phục cho bản thân mình. Đức Cha Tổ Phụ gọi đây là những người có tinh thần thế gian: “Xác tuy đã bỏ thế gian, song le lòng trí còn đang theo đời”[2]. Đức Cha còn giải thích người mang tính thế gian là người ưa đề cao mình, ưa nhắc lại việc tốt của mình; thích nói và thích người ta nghe những hiểu biết của mình về sự đời; tìm sự vẻ vang nơi chiếc áo dòng, chau chuốt dáng vẻ bên ngoài [3]. Người có tinh thần thế gian là người làm việc của Chúa nhưng lại không làm vì Chúa. Trái lại, người có tinh thần siêu nhiên thì làm mọi việc cho sáng danh Chúa, chấp nhận quên mình, từ bỏ tư lợi, chỉ để ý đến một mình Chúa, làm đẹp lòng Chúa, yêu mến và làm sáng danh Người, để “tất cả mọi việc dù rất nhỏ mọn, rất tầm thường nhỏ bé, nhờ ý hướng ngay lành và lý do trong sạch mà trở nên quý trọng và lớn lao trước mặt Chúa, đáng giá hơn những kho tàng cả thế gian gấp nghìn lần”[4].
Chúng ta là những người đã được thánh hiến để thuộc về Chúa, nhưng vẫn đang sống và thi hành sứ vụ trong một xã hội mà ý nghĩa của “sự thánh thiêng” đang mờ dần do bị tác động và ảnh hưởng của sự tục hóa. Điều này gây ra không ít những thách thức và rào cản cho việc sống chiều kích thánh thiêng của đời thánh hiến. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVIđã bày tỏ lo âu về sự ảnh hưởng nặng nề của trào lưu tục hóa: “Người ta nhận thấy có sự đánh mất đáng lo âu về ý nghĩa thánh thiêng”[5]. Sự mờ dần của chiều kích thánh thiêng trong đời sống đang làm cho người thánh hiến dễ dàng chiều theo những gì có lợi trước mắt, hợp với sở thích và giản lược đời thánh hiến vào những hoạt động bên ngoài. Nhà thần học gia lớn của thế kỷ 20, cha Henri de Lubac, đã giải thích hiện tượng này là tính thế tục thiêng liêng, là sự tìm kiếm vinh quang loài người và sự thỏa mãn bản thân, có thể giấu mặt đàng sau sự quan tâm phô trương đối với phụng vụ và uy tín của Hội Thánh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích tính thế tục thiêng liêng như sau: “Núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu mến đối với Hội Thánh, tính thế tục thiêng liêng hệ tại việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thoả mãn của bản thân. Hành động này có nhiều hình thức tuỳ theo mỗi người hay nhóm người mà nó ngấm vào. Vì nó dựa trên những vẻ bề ngoài được trau chuốt cẩn thận, bề ngoài nó không có vẻ gì là tội lỗi; từ ngoài nhìn vào, mọi sự đều nghiêm túc. Nhưng nếu nó ngấm vào, “nó sẽ vô vàn tai hại…”[6]. Đức Thánh Cha đã cảnh báo về tinh thần thế tục đang thống trị tâm hồn con người. Ngài cho rằng đây là một thái độ quy nhân căn bản. Nó thể hiện như thể tách ra khỏi tính thế tục kia, nhưng thực ra là tìm kiếm vinh quang của nhân loại chứ không thực sự quy hướng về Thiên Chúa[7] và Ngài căn dặn cách riêng các tu sĩ phải cẩn thận để không rơi vào tính thế tục thiêng liêng.
Đức Thánh Cha cho rằng đó là một sự hư hỏng ghê gớm được ngụy trang dưới dáng vẻ của điều tốt: “Đây là một sự sa đoạ ngụy trang dưới lớp vỏ của một điều thiện… Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục với những cạm bẫy của hoạt động thiêng liêng và mục vụ bề ngoài! Tính thế tục ngột ngạt này chỉ có thể được chữa lành bằng việc hít thở không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính vị kỷ trong bộ áo đạo đức bề ngoài mà không có Thiên Chúa. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất Tin Mừng”[8]. Trong cuốn Sức Mạnh Của Ơn Gọi, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho thấy tính thế tục thiêng liêng đang len lỏi vào đời sống các dòng tu và đang trở thành mối nguy cho những người sống đời thánh hiến vì họ được thánh hiến cho Thiên Chúa nhưng lại mang trái tim phàm tục và ngài lưu ý các tu sĩ phải luôn NÓI KHÔNG với tính thế tục thiêng liêng.
Khi sống trong một Hội Dòng tông đồ, sứ mạng của chị em Mân Côi là đi vào đời để làm chứng cho niềm tin và những giá trị cao quý của đời thánh hiến, nhưng cũng không loại trừ việc sử dụng những phương tiện trần thế để thi hành sứ vụ của mình. Vậy, chúng ta phải có thái độ nào, để một mặt vẫn sống được những giá trị cao đẹp của đời thánh hiến, mặt khác, vẫn có thể hòa nhập với xã hội để phục vụ tha nhân? Câu hỏi này có đặt chúng ta trước lựa chọn, hoặc xa lánh thế gian, hoặc thỏa hiệp với thế gian không? Nếu xa lánh thế gian thì làm sao chu toàn sứ mạng đem ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người? Nếu thỏa hiệp với thế gian thì làm sao sống đúng căn tính của người đã thuộc về Chúa? Chắc chắn, Thiên Chúa không muốn chúng ta chạy trốn thế gian, vì Người đã sai chúng ta vào thế gian để trở nên nhân chứng cho tình yêu của Người. Vậy, chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm chúng ta an lòng và soi sáng cho sự lựa chọn của chúng ta: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15).
Được thánh hiến và được dành riêng cho Thiên Chúa, nhưng chị em Mân Côi vẫn sống giữa đời, vẫn mang bản chất làm người và có những nhu cầu của một con người. Vì thế, chúng ta vẫn có thể hưởng dùng mọi thứ tốt lành trên mặt đất này, như công trình sáng tạo đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã dựng nên và trao ban vào tay con người, nhưng chúng ta không được đắm mình vào những thú vui trần tục, những lạc thú thế gian và cả những gì không đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa. Khi sống giữa thế gian, chúng ta hiện diện với mọi người và tham gia vào các hoạt động trần thế, nhưng chúng ta không để mình bị lây nhiễm tinh thần thế gian, không sống theo những thói đời. Đó là điều Thiên Chúa mong đợi khi sai chúng ta đi vào giữa đời: “Dù anh em ăn, uống hay làm gì, hãy làm cho sáng danh Chúa” (1Cr 10,31).
Như vậy, đời sống người thánh hiến một lúc bị chi phối bởi hai tác động vừa thánh thiêng, vừa trần tục: Một mặt, chúng ta sống trong cuộc đời này như một con người với những nhu cầu cơ bản; mặt khác, chúng ta phải hướng đời sống mình về những gì là thánh thiêng, cao thượng và vĩnh cửu. Dù mang thân phận giới hạn và mỏng dòn, nhưng tâm hồn lại hướng về những khát vọng thánh thiêng và bền vững. Vì thế, chúng ta cần thức tỉnh về lối sống của mình để cho dù xã hội quanh ta có đang xa rời Thiên Chúa, thì chúng ta vẫn luôn trọn tình vẹn nghĩa với Chúa bằng một trái tim không bị phân chia, chúng ta vẫn mãi là Hiền thê của Đức Kitô. Chính điều này mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời thánh hiến.
Kính thưa toàn thể gia đình Hội Dòng rất thân mến,
Đức Cha Tổ Phụ đã dạy rằng: “Trong mọi việc ta làm, mọi lời ta nói, mọi sự ta lo, thì hãy làm, nói, lo, chỉ vì lòng mến Chúa mà thôi”[9]. Đó là tinh thần đức tin. Đức Cha Tổ Phụ nói đến tinh thần đức tin hay tinh thần siêu nhiên là để phân biệt với tinh thần thế gian hay những thói đời. Làm mọi việc vì lòng mến Chúa cũng có nghĩa là vì Giáo Hội, vì tha nhân, vì lợi ích của mọi người chứ không phải vì lợi ích cho riêng mình. Xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết trở về với điều cốt yếu của đời thánh hiến để không bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế tục thiêng liêng, vì nó rất tinh tế, một khi đã xâm nhập vào đời sống, chúng ta rất khó nhận ra. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống tình bạn đủ sâu với Chúa Giêsu để cuộc sống chúng ta trở thành kinh nguyện, từng giây phút được sống dưới ánh mắt của Chúa và nên hoàn hảo (x. St 17,1)
Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi
Rose Vũ Loan, FMSR
[1] GSD I, 582
[2] GSD I, 210
[3] x. GSD I, 211
[4] GSD I, 436
[5] BÊNÊDICTÔ, Tự Sắc Ubicumque et Semper – Ở Hết Mọi Nơi và Mãi Mãi.
[6] NVTM 93
[7] PHANXICÔ, Sức Mạnh Của Ơn Gọi, Dg. Lê Công Đức, Nxb. Đồng Nai, 2019, tr. 94.
[8] NVTM 97
[9] GSD I 219