Trong đời người dù vắn vỏi hay tuổi thọ, ai nấy cũng đã từng được đón nhận nhiều món quà tặng. Có những món quà tinh thần quí giá và có những món tặng phẩm đắt tiền. Theo bản tính tự nhiên ai ai cũng nao nức, hồ hởi muốn có được nhiều quà cắp. Nhưng khi tặng phẩm đến tay thì sự trân quí của món quà được rành rõi tỏ bày qua sự nồng nhiệt đón tiếp hay hững hờ của người nhận quà. Có những món quà được đón nhận một cách rất trân quý, hằng ngày được đem ra nhìn ngắm vuốt ve; có những món quà được đón nhận một cách thờ ơ rồi đem bỏ quên vào xó nhà; có những món quà được đón lấy rồi ..... chuyền sang tay người khác.....

Mọi năm khung cảnh đơn hèn của hang đá Belem được trưng bày một góc trong nhà nguyện. Cho dù nhân vật chính, Chúa Hài Đồng, chưa được đặt ra, tôi cũng có thể nhìn thấy tấm thân nhỏ bé của Hài Nhi Giêsu. Một cảm giác bình an và yêu thương nồng ấm luôn chiếm ngự lòng tôi mỗi khi ngồi cầu nguyện bên khung cảnh quen thuộc này. Chúa Con đã đánh đổi ngai vị Thiên Chúa để làm người phàm hầu cho tôi trở thành con Thiên Chúa. Chỉ nghĩ đến tư tưởng này thôi, tôi đã cảm nhận được mình rất được Thiên Chúa yêu thương. Một món quà quá ư vĩ đại. Một món quà tôi trân quý nên không chỉ hôm nay tôi ngồi đây chiêm ngắm, mà mỗi ngày qua tôi đã đem món quà đó ra nhìn ngắm và tìm cách đưa vào đời mình để chia sẻ niềm vui của quà tặng với anh em đồng loại.

“Vườn Lạ Thường”, “Chậm Lại Một Giây”. Những bài viết cảm nghiệm đầu tay được ra đời nhờ sự khích lệ là món quà tinh thần mà Sr. Yên đã ban tặng tôi trong những ngày đầu của đời dâng hiến. Sr. Yên không chỉ là động viên mà hiện nay còn là độc giả trung thành của cây bút tầm thường tôi. Trân quý món quà tinh thần này, tôi đã cố gắng gìn giữ để không bị mai một. Và nhờ vào sự giữ gìn tặng phẩm này mà tôi đã nhận ra mình được hưởng nhiều hoa lợi như bảo tồn được tiếng mẹ đẻ, tiếng Việtnam. Số là vốn liếng viết luận văn chính tả của tôi chỉ ở cấp 3 tiểu học khi rời Việtnam, rồi khi nghe tiếng lòng thúc giục viết ra những dòng cảm nghĩ thì nhận thấy mình quá nghèo nàn trong ngôn ngữ và danh từ diễn tả tư tưởng trong tâm hồn. Không vì thế mà bỏ cuộc, tôi đã tìm tòi học hỏi và đọc thêm các sách tiếng Việt. Đi xa hơn nữa, nhân dịp Lễ Khấn Trọn, tôi đã xin gia đình một món quà đặc biệt là bộ tự điển Việt-Ngữ để giúp đỡ cho việc viết lách. Một sự khích lệ lớn hơn nữa là tôi cảm nhận Chúa rất ưu đãi mình trong cuộc sống. Tôi thường tự nhủ: tâm tình chỉ được giãi bày trên trang giấy sau một cuộc gặp gỡ, một lần cảm nhận Chúa cho dù chỉ trong giây phút, một kinh nghiệm sống..... Trong những lần bí tắc ở giờ cầu nguyện, tôi đã đọc lại những bài cảm nghiệm của chuỗi ngày qua để còn tiếp tục nhận ra sự yếu đuối của bản thân mình, sự cần nương tựa nơi Chúa và sự hiện diện của Chúa luôn cận kề trong cuộc sống. Ôi món quà này đẹp quá bút nào tả cho xiết... Chắc còn phải viết nhiều trang giấy để nói về tặng phẩm này.

“Một cây chẳng nên rừng.” Thật vậy, chương trình Ký Nhi được thành hình như ngày hôm nay là do nhiều bàn tay xây đắp chứ không phải do một cá nhân giỏi giang. Nhìn lại những ngày đầu tiên khi chị em Mân Côi đảm nhận trách nhiệm nhà Ký Nhi, tôi trân quý tinh thần đoàn kết của các chị em trong bước đường tiên khởi. Chị em dù có sống chung cộng đoàn nhưng chỉ có một giờ cầu nguyện chung, một giờ cơm chung cũng không thể hiểu và đồng cảm được như những chị em cùng sống lăn lộn với nhau 8-9 giờ trong một ngày ở cùng một môi trường. Nhưng ngược lại khi hợp tác chung trong một việc tông đồ, chị em từ nhiều cộng đoàn đã tụ tập lại một thí điểm để uốn nắn mầm non thế hệ trẻ hướng tới cuộc sống tươi sáng ngày mai đã cùng nhau chia sẻ sự khó khăn của môi trường truyền giáo, cùng nhau phấn đấu những thăng trầm cuộc sống xã hội hiện tại và cùng nâng đỡ nhau trong đời sống tâm tinh thánh hiến. Trong môi trường này, chị em ai đều nhận thức mọi cảm tính ở chính bản thân mình mau chóng bộc phát hoặc thay đổi trong tích tắc, từ một ma-sơ dịu hiền đến một chị dòng bẳn gắt. Và cố gắng vượt qua những căng thẳng của công việc đang đương đầu, mọi chị em sẵn sàng đón nhận những cá tính khác biệt của nhau. Mỗi người có những tài năng và năng khiếu Thiên Chúa ban cho. Nét đẹp ở đây mà tôi cảm nhận được là chị em sẵn sàng nhường bước và trao trách nhiệm vào đúng bàn tay có đủ năng lực hoàn thành công việc cho dù bàn tay đó trẻ trung và ít kinh nghiệm đời tu. Một ngày sống ở trung tâm Ký Nhi như một bài hát có những nốt nhạc trầm bổng, mọi nốt nhạc được đặt đúng vào vị trí để làm nên một bài ca vui tươi mà trẻ thơ thích hát và làm tinh thần Ma-sơ sảng khoái.

Các lễ Khấn Dòng, mừng Ngân Khánh, Kim Khánh đời dâng hiến. Mỗi dịp lễ tưng bừng tổ chức trang trọng trong thánh đường luôn đi đôi với những buổi tiệc linh đình ở nơi hội trường. Hồi tưởng lại chuỗi ngày xa xưa khi các món ăn cho buổi tiệc đều do chị em đảm trách, tôi phải nể phục sự cộng tác đắc lực của mọi chị em trong ban ẩm thực. Món quà tinh thần tôi đón nhận được ở nơi chị em khi cùng cộng tác trong những dịp đặc biệt này là sự tín nhiệm lẫn nhau. Tôi tin tưởng chị em khi phân chia công tác cho dù lúc đó tôi đang làm việc ở công sở. Cùng cộng tác, chị em đón nhận sứ vụ và hoàn tất công việc một cách hoàn mỹ. Nhiều lúc chị em phải thức gần thâu đêm để hoàn thành các món ăn, nhưng những lúc “canh thức bên món ăn” mà chị em lại được gắn bó nhau hơn. Chị em dễ dàng mở ngõ lòng mình để chia sẻ và cho người chị em tự do đi vào cõi riêng tư thầm kín. Quý hóa thay sự tin tưởng đã thắt chặt tình thân ái chị em.

“Ephata”, “Metanoia” Những cuối tuần tĩnh tâm cho chương trình giáo lý trung học được diễn ra vài lần trong một niên khóa học. Thật là ơn Chúa ban cho đúng lúc và đúng thời hạn. Nhìn lại thời khóa biểu của chị em trong những ngày tháng phục vụ chương trình giáo lý và các cuối tuần tĩnh tâm, tôi tin chắc nhờ vào sự hăng say công việc tông đồ mà Thiên Chúa đã trợ lực giúp sức cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Chị em ai nấy đều có công việc chính trong tuần nhưng khi nói đến cần sự trợ lực cho buổi tĩnh tâm giới trẻ thì ai nấy đều rất sẵn lòng đóng góp cho công việc tông đồ và đồng thời biểu lộ sự nâng đỡ các chị em đảm trách chương trình tĩnh huấn. Theo sự sắp xếp của chương trình, chị em ngừng tay ở công sở vào chiều Thứ Sáu, lên đường tham dự khóa cho đến chiều Chúa Nhật, và sáng Thứ Hai ai nấy trở lại công việc thường nhật. Nhìn những con mắt đỏ ngầu, gương mặt xanh tái mét ở công sở hoặc trung tâm ký nhi vào sáng Thứ Hai thì được biết vì chị em nhiệt tình “hăng say” trong cuối tuần tĩnh huấn nên đã mất ngủ vì phải làm “lính canh thâu đêm” cho những học sinh ngỗ nghịch, dở chứng muốn vượt rào. Thậm chí, có những người bị quật ngã vài ngày mà vẫn “hăng tiết” xung phong cho những lần tĩnh tâm kế tiếp. Ôi lòng nhiệt thành công việc nhà Chúa, chị em đã hăng say đến quên mình. Cám ơn món quà quý báu tôi đã được đón nhận từ các chị.

Trong bài hát “Thankful, Cảm Tạ” có nói đến tâm tình nhìn rộng, nhìn xa để cảm nhận niềm vui của mọi người, của thế giới quanh ta; và mỗi người hãy mở rộng vòng tay cho đi thay vì ngồi chờ tiếp nhận; hãy hy vọng và cầu mong một sự thay đổi từ chính bản thân. Cho dù chính mỗi người không thể thay đổi được nhiều trong cái thế giới phức tạp này, nhưng biết chắc một điều ai cũng có thể làm được là hãy sống TÂM TÌNH CẢM TẠ, BIẾT ƠN.

Để sống tâm tình biết ơn, tôi vẫn luôn đem các món quà đã đón nhận ra nhìn ngắm mỗi ngày và cố gắng áp dụng ngay vào môi trường sống. Cuộc sống hiện nay có phần thay đổi từ nơi ăn chốn ở; thế nhưng, các tặng phẩm tôi đã đón nhận nay là hậu thuẫn giúp tôi vững tin và trưởng thành hơn. Tôi có cuộc sống vững chãi hôm nay là nhờ những tặng phẩm hôm qua. Và ngay lúc này đây tôi ý thức rằng: ngày hôm qua khi nhận quà, tôi đã để bàn tay trống, tôi đã cho đi để tiếp nhận cái mới và cái mới này đã thay đổi con người tôi.

Có những tặng phẩm người biếu không muốn được biết món quà mình cho đi đã.....chuyển sang tay người khác. Thế nhưng đối với tôi, vì trân quý các món quà, tôi không ngại nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những món quà mình đã nhận. Và với sự khẳng định các tặng phẩm này, tôi đang có ý.....chuyển món quà này đến tay người khác. Tôi biết một khi các tặng phẩm tôi đón nhận được chuyển đến tay người kế tiếp thì tôi đang sống tâm tình biết ơn và cảm tạ.

Sr. Tuyết-Dâng, FMSR