Vâng, thực tế là thế đó. Tôi được làm việc trong một văn phòng có các thứ giấy tờ và hồ sơ đi qua bàn giấy mỗi ngày. Được trao việc, tôi nhận ra đây là một bài sai, một công việc tông đồ có giới hạn trong cái văn phòng nhỏ bé với xấp xỉ hai chục bạn đồng nghiệp tiếp xúc mỗi ngày. Nhưng tôi không thể ngờ được chị lại có phản ứng như thế! Thái độ phản ứng và kiểu nói rất tự nhiên của chị đã chẳng làm tôi ngạc nhiên và mất ngủ vì tôi đã được nghe kiểu nói “bình luận” này về công việc tôi làm vài lần rồi. Vậy công việc tông đồ là gì? Phải chăng tôi cần phục vụ cho số đông người và hiện diện trước nơi công chúng? Hay là tôi vẫn có thể thi hành việc tông đồ được trong nơi âm thầm, nhỏ bé ít người biết đến? Và tôi đã tìm được câu trả lời mỗi khi nhìn qua bên kia song cửa.

Một phần tư vách tường văn phòng tôi là cửa kính nên khi ném ánh mắt qua song cửa lớn tôi thấy rõ những sinh hoạt bên ngoài. Điện đường xanh đỏ thay đổi liên hồi cho từng đoàn xe nối đuôi lưu thông an toàn; người nhanh chân, kẻ chậm bước tìm đường đến công sở hoặc buổi họp mặt; thỉnh thoảng tiếng còi hú thất thanh của xe cứu hỏa hoặc xe cứu thương phóng qua cũng kéo sự chú ý của tôi. Mỗi sáng đến văn phòng và trước khi bắt tay vào công việc, tôi có thói quen dành ít phút yên tĩnh cầu nguyện. Và tôi thường làm việc này trước khung cửa kính. Trong phút giây thầm lặng, tôi nhìn qua bên kia song cửa và thấy chị đang thi hành công việc được trao.

Trong một lớp học tôi thấy chị đang sắp xếp bài vở và dụng cụ cho học sinh. Phòng học của chị lúc này thật lớp lang, ngăn nắp, thứ tự, và rất là yên tĩnh. Có tiếng động từ cửa lớp, chị đã mau mắn đi ra chào đón học sinh. Đáp lại tiếng chào của chị có lúc là lời chào vui vẻ pha lẫn tiếng cười; đồng thời, cũng có những tiếng khóc nức nở đòi ba, đòi mẹ và đòi đi về. Chị là nhà giáo của các em ấu nhi nên đã mặc nhiều “lớp áo” trên mình. Có lúc chị là người mẹ hiền từ dỗ dành các em ở lại lớp học, ăn thêm miếng cơm, uống hết ly sữa. Có lúc chị là người cha nghiêm nghị sửa sai những lỡ lầm và hướng dẫn đường ngay. Là một bác sĩ mát tay, chị băng bó vết thương khi các em té ngã trầy da; cùng lúc, chị cũng là người pha trò làm cho các em cười để quên đi cơn đau khi ngón tay bị kẹp cửa... Tôi hiệp ý với chị và dâng lời nguyện xin Chúa chúc phúc cho công việc chị làm và ban phước lành trên những tâm hồn trẻ thơ.

Lúc khác khi nhìn qua song cửa tôi thấy mình đang đứng trong một nhà bếp lớn. Tôi thấy chị kiễng chân cho cao để khuấy nồi canh trên bếp. Chị đang bận bịu với bổn phận lo các bữa ăn cho học sinh. Thoan thoát đi từ nhà kho lấy giấy lau miệng, đến tủ lạnh khuôn ra các bình sữa và ngăn tủ kế bên lôi ra chồng khay điã, chị làm việc liên hồi. Từng khay thức ăn đã được chị chuẩn bị, sắp xếp ngon lành. Chuông báo điểm giờ ăn của học sinh, chị lại biến dạng thành “người bán hàng”. Dùng lời ngon ngọt, chị “dụ dỗ” các em ăn cho hết mọi thứ trên khay. Lắm lúc chị trở thành người mẫu để làm gương cho các em ăn những món mới lạ. Bổn phận của chị đến đây chưa hết! Chị còn tiếp tục rửa chén đĩa, thu dọn nhà bếp, lau bàn và nhà ăn, và lại chuẩn bị cho bữa ăn kế tiếp... Qua song cửa, tôi dõi theo chị một ngày làm việc mà cũng cảm thấy thấm mệt. Tôi thiết tha xin Chúa thêm sức trợ lực để dù thân xác chị mệt mỏi nhưng tâm hồn chị được nhẹ nhàng thảnh thơi kết hiệp với Ngài.

Rồi một ngày kia qua khung cửa kính tôi thấy chị sau hàng rào sắt đang lom khom quét lá làm sạch lối đi và lúi húi vun trồng khóm hoa. Chị đã có tuổi nên mái tóc bạc phơ và vì mang chứng bệnh đau khớp xương nên việc đi lại có vẻ khó khăn, nhưng chị vẫn trung thành với trách nhiệm đã được trao. Công việc chị làm ít người biết đến vì khi chị thi hành nhiệm vụ thì nhà vắng người, khách ít khi lui tới nhìn ngắm khóm hoa chị trồng, và nhất là chỉ một cơn gió thôi cũng đủ làm toi công phí sức chị đã dồn vào việc quét lá. Xác lá khô la liệt phủ đầy lối đi như dấu chứng chị chưa hề cầm chổi quét một mái. Nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo trước ngực áo, chị thấy còn được ít phút rồi lại cầm chổi tiếp tục quét... Nhìn chị chăm chỉ làm việc lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc dạt dào. Tôi bèn hướng tâm hồn lên cùng Chúa và dâng lời nguyện. Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi có những người như chị và xin được hiệp thông với việc chị làm để làm đẹp nhà Chúa.

Biến cố thảm hại xảy ra cho đất nước Mỹ đã làm rung động và thay đổi nhiều con người. Nhìn qua song cửa tôi thấy lá cờ quốc kỳ bay phất phới trên một nóc nhà, và nó nhắc nhở tôi sự kinh hoàng của ngày hôm đó. Khung cửa kính hôm nay như màn ảnh ti-vi cho tôi thấy từng ngàn anh em đồng loại bị thiệt mạng trong đống gạch vụn. Họ có thể ra đi một cách nhanh chóng êm ả hay là cái chết chờn vờn trước mặt đe dọa họ từng giây từng phút. Tôi đau với họ, và lo cho những tâm hồn đang đứng trước cửa tử thần. Tôi dâng lên Mẹ Maria lời cầu cứu, xin Mẹ bầu cử trước tòa Chúa cho các linh hồn đã qua đi; đồng thời, xin Mẹ sai thiên thần Chúa đến an ủi bao mạng người bị vùi lấp dưới đống gạch và chuẩn bị cho họ đến gặp Thiên Chúa trong cõi lòng bình an, chấp nhận...

Hôm nay tôi hay tin một người bạn đồng nghiệp trong quân đội lính dự bị được thông báo phải trình diện đến trại tập để chuẩn bị nếu cần đi ra chiến trường. Bây giờ đứng trước song cửa kính, tôi thấy nhiều gia đình bùi ngùi chia tay. Họ xiết chặt vòng tay níu kéo hạnh phúc qúa mong manh vì chẳng biết ngày mai họ còn có nhau không. Lại nữa, tôi thấy bên kia qủa địa cầu chiến tranh bùng nổ, súng đạn vang rền, khói lửa điêu tàn, người người thiệt mạng ngã gục, kẻ mất của, người mất nhà, mất quê hương. Thảm họa đưa đến cho nhau chỉ vì tham vọng, ích kỷ và cuồng tín của những cá nhân. Đứng trước hoàn cảnh này tôi thấy mình thật bất lực và thốt lên lời: Chúa ơi, anh em con đâm chém lẫn nhau. Xin thương xót chúng con...

Từ nơi công sở, một văn phòng nhỏ bé, mỗi khi nhìn qua song cửa tôi không thấy sự nhộn nhịp của những sinh hoạt bên ngoài, nhưng tôi đã nhìn và cảm được nhịp đập lẽ sống của anh em đồng loại. Thế giới tôi đang trú ngụ có nhiều đau thương và nước mắt; mọi bất hạnh, thảm họa và bất công đưa đến cho nhau đều bắt nguồn từ những tham vọng và ích kỷ cá nhân. Anh em đồng loại có nhiều người chưa nhận biết tình yêu bao la Thiên Chúa; họ đang khát khao tìm sự thật, tìm chân lý nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi không thể đến được với họ để xoa dịu nỗi đau, giải hòa bất công và nói về Thiên Chúa. Nhưng tôi có thể kết hiệp với nhiều tâm hồn khác cũng đang đứng sau song cửa, vách tường. Chúng tôi cùng hợp lời nguyện cầu xin Thiên Chúa lau sạch nước mắt và ban cho các nạn nhân của thời cuộc, hoàn cảnh có những bàn tay trợ giúp, nâng đỡ, ủi an. Việc tông đồ của tôi tuy giới hạn trong một văn phòng nhỏ với một nhóm người, nhưng hồn tông đồ của tôi đến với mọi người, mọi nơi, mọi chốn.

Sr. Tuyết Dâng, FMSR